Đôi điều cảm nhận về các bài viết của anh Đ D.

11/07/2024    122    4.65/5 trong 18 lượt 
Đôi điều cảm nhận về các bài viết của anh Đ D.
Đôi điều cảm nhận về các bài viết của anh Đ D.
 

Đôi điều cảm nhận về các bài viết của anh Đ D.

Thầy dành thời gian đọc các bài viết của anh Đ D, nhiều bài thầy đọc đến hai lần ba lần. Bài viết của anh Đ D thường dài, tuy là tản văn nhưng có chiều sâu, đa diện, gửi gắm rất nhiều ý tứ. Thầy rất thích. Văn phong tự nhiên, lôi cuốn. Nhiều phần đề cập đến các kiến thức khá sâu và khá nhạy cảm.

Đối với phật giáo và các bài viết về giáo lí nhà phật, ví dụ như bài này, anh Đ D thể hiện một quan điểm rất tự do, rất tinh hoa chứ không dân túy – một lượng kiến thức và cái nhìn mà phần đông quần chúng “phật tử” ít biết, hoặc chưa biết, hoặc biết qua mà chưa hiểu hết ý nghĩa của những dữ liệu và quan điểm hàm chứa bên trong. Khi nói về thời điểm Phật niết bàn, anh Đ D trích dẫn sử liệu:

…..”thật là phiền toái. Bọn chúng ta ngày nay mới thoát được nỗi khổ ấy, tùy ý muốn làm gì làm, không còn ai ngăn cản nữa. Vì sao các ông lại thương tiếc khóc than?”……

Đây là dữ liệu lịch sử, và có thể coi đó như một thực tế lịch sử rất rõ ràng, rằng ngay từ khi đức Phật Thích Ca còn sống, giáo đoàn (hay tăng đoàn) hồi đó đã có những thầy tu không hề hài lòng với Đức Phật Thích Ca. Những vị này có vẻ muốn Phật Thích Ca niết bàn sớm hơn cho họ được thoái mái. Mặc dù tu hành là một sự tự nguyện, nhưng có vẻ khi họ nhập hộ khẩu vào tăng đoàn, họ thấy sự tự nguyện của họ không thoải mái đối với chính họ, rời khỏi tăng đoàn chắc cũng mất mát nhiều thứ, mà ở lại thì khó chịu, thôi cứ chờ ngài Thích Ca niết bàn là được tự do!!!!

Rõ ràng ở đây, những người ăn theo Đức Phật  đã xuất hiện từ rất sớm, ngay từ thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế, có thể hồi đó số lượng không nhiều, xu hướng manh nha, nhưng dù như vậy thì cũng dễ hiểu tại sao sau này Phật Giáo bị chiếm dụng danh tính quá nhiều.

“Ca Diếp – Đầu đà (tu khổ hạnh) đệ nhất thấy thế sợ quá không ổn rồi đại ca vừa mới viên tịch xong bọn nó đã định làm loạn thế này”

Ca Diếp cũng chỉ có thể có một sự chuẩn bị, và có lẽ ngài cũng biết rằng cái gốc của sự tạp loạn đã hiện tồn, và sẽ còn trường diễn trong hậu thế.

Ngay cả khái niệm mạt pháp, pháp mạt hay chúng sinh mạt, đến giờ này giới tri thức phật giáo còn đang ngồi tranh luận, và câu chuyện sẽ còn dài dài vì thời gian ngày càng như mũi tên tiến về phía trước. Chúng ta vốn không phải là tu sĩ phật giáo, có gánh trách nhiệm  gì trên vai đâu để tham gia câu chuyện này. Chí ít đối với thầy, đã từ lâu thầy không còn là một người mang hoài bão phát dương quang đại tư tưởng của Thích Ca. Thầy không phải phật tử, không tu đạo phật, chỉ đọc kinh sách phật giáo như đọc kinh Thánh của bên Thiên Chúa Giáo. Người nghiên cứu và suy nghĩ thì chỉ có thể coi là một học giả, không thể coi là một tín đồ.

Tuy không phải tín đồ, nhưng kinh sách và suy tư của anh Duy thì thầy rất hiểu. Thây rất thích đọc những nghiên cứu và lí luận của anh Duy. Những kiến giải về thầy Minh Tuệ cũng rất hay. “Vì sao? Vì với Minh Tuệ, khổ hạnh là con đường phù hợp nhất. Minh Tuệ không thể tu trong chùa, không thể nghe giáo lý, không thể ngồi thiền, không tự coi mình là Phật để nhận hương hỏa cúng dường được, chỉ có thể ngộ khi đi. Con đường của Minh Tuệ là một con đường đúng với Minh Tuệ, nhưng chưa chắc đúng với người khác, kể cả có đi theo mà không có cái tâm đó thì cũng khó chứng đạo được (*)”. Cái này thì anh Duy nói quá đúng. Có một điều thầy nghĩ anh Duy biết rõ, nhưng sẽ không nói ra, mà thầy thì thầy sẽ nói ra bởi anh Duy nói thì có thể không phù hợp để mà phát ngôn, còn thầy thì thầy thấy rằng cái này dễ hiểu vì rất nhiều người đều hiểu: “Con đường của Minh Tuệ là một con đường đúng với Minh Tuệ”, nhưng chắc chắn là không phù hợp với xã hội cuồng loạn chúng ta đang sống, cho nên con đường đó là một con đường mòn nho nhỏ, nhưng lại có quá nhiều người coi nó như xa lộ cao tốc và muốn vác xe phân khối lớn vào để đi, không những đạp mạnh ga đi mà còn bóp còi inh ỏi. Đến thánh nhân cũng phải phì cười hoặc lắc đầu!

Trong bài viết anh Duy có đề cập đến những đối thoại giữa ngài A nan và ngài Thích Ca. Có vẻ như Ca Diếp kết tội A nan. Đây là một đoạn trích dẫn nhạy cảm. Thầy tin rằng quần chúng phật tử đọc đoạn trích dẫn sử liệu này sẽ hơi băn khoăn, hoặc không nghĩ, hoặc khó nghĩ, hoặc cảm thấy chưa cần nghĩ nên khỏi nghĩ nữa. Nhưng trong đó là rất nhiều những góc sâu kín màu nhiệm mà anh Duy đã phát hiện ra. “Thế Tôn có biết việc này không? Hẳn là có. Nên Đức Thế tôn mới phải chọn một người như A Nan hầu bên cạnh. Nên Đức Thế tôn mới là Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, mới nói là pháp là phải hành, tôi nói thế là tôi nói thế còn các vị phải hành mới được, mới có Thập đại đệ tử mỗi người một vẻ để người đi sau nhìn thấy con đường với mình cho dù mình là kiểu người thế nào, để chứng minh rằng mọi đường đều đúng miễn là người tu có hành. Thậm chí đến như Đề Bà Đạt Đa cũng có thể thành Phật ở hàng nghìn kiếp sau.”. Đây là một cách nhìn  từ trong pháp thân Phật, cách nhìn từ bản thể. Chỉ có cách nhìn từ bản thể mới thấy Đề Bà Đạt Đa tác thành Phật, rồi lâu xa cũng sẽ là Phật, “Một Đề Bà Đạt Đa khác trong tông giáo khác là Judas thì không được tha thứ như vậy”.  Về cái này thì anh Duy chắc cũng đúng. Vì thầy không phải tín đồ Công Giáo cho nên cũng không nghĩ Judas có được cộng đồng Thiên Chúa giáo tha thứ hay không, thầy chỉ nghĩ Judas đã tự sát, đã đền tội, và nếu thời gian là luân hồi chứ không phải mũi tên, thì Judas cũng sẽ luân hồi như một sinh linh theo quan niệm phật giáo để đền tội cho hết. Nhưng nếu Judas thực sự hối hận và ao ước, như bao người trên thế gian này từng hối hận và ao ước, hối hận rằng mình đã phạm tội, và ao ước mình được tha thứ, thì thầy nghĩ sau cồng trời kia, sẽ có những vị Thánh nhân tha thứ cho Judas, và không loại trừ là Giê su cũng sẽ làm điều tương tự là thứ tha cho hắn. Bởi dẫu thời gian là mũi tên hay là bánh xe luân hồi, thì mũi tên cũng sẽ rơi trước Cổng Trời, và bánh xe cũng sẽ dừng lại nơi đó để Judas có một cơ hội đi qua Cồng Trời.

Cảm ơn anh Duy cho thầy đọc một bài viết rất hay, những quan điểm rất thú vị của anh Duy và cách gọi “đại ca” rất có duyên trong bài. Thấy rất thích và mong được anh Duy chia sẻ nhiều hơn nữa.

Kính lạy thiên cung chư thánh, cõi giới tối tôn, chư vị thánh hiền cung trời giáng hạ! Xin cầu nguyện cho anh Duy và gia đình bình an!