THÁNH KINH HUYỀN NGHĨA 91 -120
Ta trải trăm kiếp tu, vạn kiếp khổ, nay ở trên thiên, vẫn giáng xuống cõi nhơ uế mà cứu người, lấy khổ mà làm phép, chiết phục kẻ bần tiện, để làm sáng đẹp cái vui nơi đạo trời, ai thấy ta hà khắc, không chịu sự uốn dẹp của ta thì kẻ ấy còn là trong khổ hải.
Những kẻ lòng không trong trí không sáng, chỉ biết vinh thân phì gia, không trọng chuyện núi sông, có chút tài mọn, tự khiến mình lầm lạc, bắt người lầm lạc theo, thân tuy sống nhưng đã đào sẵn huyệt mộ giam mình trong địa ngục Khê Nhĩ rồi.
Những kẻ tự đắc ngạo nghễ, khinh bạc càn loạn, trọng danh lợi không thích làm việc nghĩa, khinh trời đất, bất kính quỷ thần đều chịu tổn phước, nếu mãi khinh nhờn ý thì khó quay lại đường cũ, sau hậu dù có khóc ra máu cũng không được hồi ứng.
Đừng mang đền chùa miếu mạo mười phương mà so sánh với ngai thờ ta, cái chén không chứa được trăng rằm, cây rung không tạo được gió lớn, so lường về ngôi ta là báng ta, gọi là phạm.
Nghĩ đến lúc cờ tàn mà khôn kinh sợ toát mồ hôi thì khó mà tu được.
Một chữ tín tâm, đem cả thân mạng tài sản gieo vào đó, được ngồi đài vàng lầu bạc trên cung trời.
Các người dẫu có chuyển nữ thành nam, cạo đầu đi tu, xuất gia từ nhỏ, thông minh tài trí, nghe một hiểu mười, ngồi trên đài sen, vạn người cúi lạy, đó vẫn là nơi thấp so với cửa trời trên cao.
Cái bóng kia nước không nhấn chìm được mà nó hiện trên mặt nước, lửa không đốt nó được mà hiện càng rõ, binh đao không chém được, người không xua đuổi được, hiện rồi mất, mất rồi hiện âm thầm khó đoán, bóng THÁNH vô biên trùm trời đất cũng vậy.
Toàn tâm toàn ý nơi cửa trời thì cửa trời là cửa tâm, trần lao trong đục khó vào được tâm mà sự nhàn lạc cũng ở ngày nơi cửa trời trong tâm mình.
Có một đứa con, nó hiền nó ngoan, yêu chiều nó nhiều, nó ác nó trái, càng xót thương nó, ta hiểu nhà người, người chẳng hiểu ta, ngươi thương con ngươi, ta thương cháu ta.