Trong quá trình lớn lên và làm việc, đôi khi may mắn được động vào sâu những thứ có nguồn gốc hàng trăm năm, đọc và gặp những người gần như ở trong một thế giới khác, những người rất thông minh, rất sáng sủa nhưng gần như cống hiến cả đời mình cho đạo mình theo, hay nói chuyện với những người từng làm khoa học một cách nghiêm túc và ở trình độ cao hơn hẳn những gì trong sách vở đang dạy. Một trong những quy luật phổ thông nhất mà bất kỳ người nào cũng từng biết, và càng lớn lên càng thấm rõ, đó là Nhân – Quả, hay Cause and Effect, Causality, Karma, Post hoc ergo propter hoc… Bất kỳ ngôn ngữ thông dụng nào, bất kỳ nền văn hóa nào, bất kỳ đạo giáo nào, bất kỳ môn khoa học nào, bất kỳ trường hợp nào trong cuộc sống hay bất kỳ môn huyền học nào cũng nhắc đến, nhấn mạnh và về bản chất đều cho rằng những thứ chúng ta đang có là Quả, của một cái Nhân từ quá khứ, có thể là từ một khoảng thời gian trong quãng đời này, có thể từ nhiều đời trước, hoặc theo một vài tôn giáo – từ nhiều kiếp trước.
Trong quá trình lớn lên và làm việc, đôi khi may mắn được động vào sâu những thứ có nguồn gốc hàng trăm năm, đọc và gặp những người gần như ở trong một thế giới khác, những người rất thông minh, rất sáng sủa nhưng gần như cống hiến cả đời mình cho đạo mình theo, hay nói chuyện với những người từng làm khoa học một cách nghiêm túc và ở trình độ cao hơn hẳn những gì trong sách vở đang dạy. Một trong những quy luật phổ thông nhất mà bất kỳ người nào cũng từng biết, và càng lớn lên càng thấm rõ, đó là Nhân – Quả, hay Cause and Effect, Causality, Karma, Post hoc ergo propter hoc… Bất kỳ ngôn ngữ thông dụng nào, bất kỳ nền văn hóa nào, bất kỳ đạo giáo nào, bất kỳ môn khoa học nào, bất kỳ trường hợp nào trong cuộc sống hay bất kỳ môn huyền học nào cũng nhắc đến, nhấn mạnh và về bản chất đều cho rằng những thứ chúng ta đang có là Quả, của một cái Nhân từ quá khứ, có thể là từ một khoảng thời gian trong quãng đời này, có thể từ nhiều đời trước, hoặc theo một vài tôn giáo – từ nhiều kiếp trước.
Nhân – Quả là một vòng lặp vĩnh viễn mà con người không thể thoát ra được, và có vẻ loài người là những sinh vật duy nhất đủ rảnh rỗi và âu lo, và đào sâu nhận biết những thứ về vòng lặp này, một vòng lặp không bao giờ nhìn thấy. Chúng ta giống như con kiến bò trên một vòng lặp chẳng bao giờ thoát, nhưng chúng ta khác con kiến vì có khả năng cảm nhận vòng lặp ấy.
Trong Kỳ Na Giáo, Nhân Quả được miêu tả như thế này
Kỳ Na Giáo là một tôn giáo do vị Mahavira, cùng thời với Đức Phật Tất Đạt Đa Cồ Đàm, và cũng là một vị vương tử từ bỏ tất cả để sống một cuộc đời khổ hạnh. Kỳ Na Giáo, Phật Giáo cùng có nguồn gốc Ấn Độ nêncũng ảnh hưởng lớn bởi đạo Hindu, khởi nguồn của quan điểm Luân hồi và Nhân quả. Trong những tôn giáo có khái niệm nhân quả thì Kỳ Na, Hindu và Phật giáo gần như có chung một gốc về quan điểm do ảnh hưởng của Hindu. (Những con người đầu tiên đặt ra khái niệm về luân hồi cũng là Hindu giáo). Nhân quả, nghiệp quả, ở mức hiểu sơ khởi nhất là các hành động, tác đông của con người lên thế giới này, lên vật chất, lên ý thức, lên tinh thần, lên linh hồn của những vật chất, ý thức, linh hồn khác trên thế giới, dẫn đến một chuỗi – một chuỗi, không phải là một – các thay đổi tiếp theo. Nói như vậy, thực ra đã sinh ra vào thế giới này, kể cả từ khi là một bào thai, chúng ta đã bắt đầu chuỗi nhân quả của mình. Không ai thoát được nhân quả, vì từ khi còn vô ý thức, từ khi chỉ là một bào thai, con người hay bất kỳ loài vật nào đã tác động lên cơ thể người mẹ, lên ý thức người cha và một loạt những người xung quanh. Mà thực ra bào thai cũng là quả của tình dục, của sự tiếp xúc của hai con người vốn là kết quả của hàng triệu chuỗi nhân quả khác. Nên có một số người khi nhìn ra chân lý đó, có một khao khát thoát ra khỏi chuỗi vòng luẩn quẩn của nhân quả và bước chân lên con đường tu hành. Nhưng cho dù làm thế nào, thì họ cũng không thoát được, và cũng không giải thích được tại sao cùng là con người khi sinh ra mỗi người, mỗi loài vật lại có những đặc tính riêng, có những con đường phát triển riêng. Còn cách giải thích nào khác ngoài việc nhân quả này đã bắt đầu từ trước khi con người được sinh ra? Từ đó có khái niệm linh hồn và luân hồi.
Nhưng từ khái niệm sơ khai ấy, mỗi vị giáo tổ lại có cách nhìn khác nhau và cách giải quyết khác nhau về nhân quả, luân hồi. Ví dụ như Kỳ Na Giáo, trọng tâm của giáo lý nằm ở một chữ Phạt. Ba loại nghiệp cần phải ‘phạt’ là Thân phạt, Khẩu phạt và Ý phạt. Trong đó Thân phạt là quan trọng nhất (Khác với Thân nghiệp, Khẩu nghiệp và Ý nghiệp của nhà Phật, và Ý nghiệp là quan trọng nhất). Từ đó, Kỳ Na giáo chủ trương “không làm thì sẽ không sai”, muốn diệt nghiệp quả thì bắt đầu bằng việc sống khổ hạnh.
“Này các Nigaṇṭha, nếu xưa kia người có làm ác nghiệp, hãy làm cho nghiệp ấy tiêu mòn bằng khổ hạnh khốc liệt này. Sự không làm ác nghiệp trong tương lai chính do sự hộ trì về thân, sự hộ trì về lời nói, sự hộ trì về ý ngay trong hiện tại, ở tại nơi đây. Như vậy, chính nhờ sự thiêu đốt, sự chấm dứt các nghiệp quá khứ, sự không làm các nghiệp mới, mà không có sự tiếp tục trong tương lai. Do sự không tiếp tục trong tương lai, các nghiệp được diệt trừ; do nghiệp được diệt trừ, khổ được diệt trừ; do khổ được diệt trừ, cảm thọ được diệt trừ; do cảm thọ được diệt trừ, tất cả khổ đau sẽ được tiêu mòn. Và vì chúng tôi chấp nhận điều ấy, và chúng tôi kham nhẫn điều ấy, nên chúng tôi được hoan hỷ.”
Giáo lý không gây ác nghiệp phản ánh trong mọi mặt của đời sống hàng ngày của các tín đồ đạo Kỳ Na, từ đi chân không đến chuẩn bị thức ăn theo một cách đảm bảo rằng không một sinh vật sống nào bị hại. Họ không ăn sau khỉ trờỉ tối để tránh vô tình gây hại đến sâu bọ côn trùng. Những người tu hành buộc phải đeo mặt nạ để tránh việc hít phải các cơ thể sống trong không khí.
Bước lên con đường tu đạo thực ra lệch một bước là sai cả một kiếp, hoặc nhiều kiếp. Từ một nguồn gốc về nghiệp chung, nhưng chỉ cần cách lý giải khác nhau là con đường khác nhau hẳn. Đối với Phật giáo, ý nghiệp là quan trọng nhất vì ý thức quyết định mọi hành động, nghĩa là ý là nhân của tất cả các loại quả sau này. Con người muốn sửa sai những hành động của mình thì phải sửa sai từ nhận thức. Kỳ Na Giáo thì khác, nghiệp của thân là quan trọng nhất nên khổ hạnh để đốt nghiệp trong tương lai, tu hành để đốt nghiệp trong quá khứ. Nhưng thật sự thì ở đời làm gì có ai không hành động gì chỉ có thể bất động? Nếu bất động để giải thoát được thì đó có phải giải thoát không? Khi đã bước vào trò chơi cuộc sống này, dù muốn hay không muốn thì một hơi thở cũng là tạo nghiệp, kể cả tự sát thì cũng không thể chấm dứt những nghiệp mình đã tạo ra.
Bởi vậy Đức Thế tôn có một giải pháp khác hẳn, đó là tập trung vào Ý nghiệp. Trong Kinh tạng Pali, Tương Ưng Bộ, tập IV chương 36 phẩm thứ 21, có người hỏi Thế Tôn tại sao lại có các cảm giác, vui, buồn, khổ, phải chăng là do nghiệp trong quá khứ? Thế Tôn đã trả lời, có những cảm giác là do các bộ vị trong cơ thể như mật, như niêm dịch, có cảm giác do thời tiết (tức cảnh sinh tình), từ nghịch vận, từ các công kích thình lình từ bên ngoài, từ nước trong thân thể, cũng có một số – chỉ một số thôi từ nghiệp khác. Rất ít khi Thích Ca Mâu Ni mới gay gắt đến mức như thế này: “những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào thuyết như sau, thấy như sau: “Con người cảm thọ cảm giác gì, lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ; tất cả thọ đều do nhân đã làm trong quá khứ”; nếu do họ tự mình biết, họ thật sự đi quá xa; nếu được thế giới chấp nhận là đúng sự thật, họ cũng đi quá xa. Do vậy, Ta tuyên bố rằng các Sa-môn, Bà-la-môn ấy thuộc về tà.”. Gần đây có một số nhà tu hành vì động cơ cá nhân hoặc vì huyễn hoặc của bản thân hoặc vì tâm ý lệch lạc hoặc vì muốn truyền bá tư tưởng của chính mình, đưa ra các ‘quả’ của các loại nghiệp một cách hỗn loạn. Hát karaoke thì mất lưỡi hay chơi chứng khoán thì sao đó. Thật sự không hiểu Nhân quả trong đầu các vị ấy vận hành kiểu gì. Nếu móc được dây nhân quả của thế gian ra rồi lần từ một phần giữa của đoạn dây kéo tới một đoạn khác như các vị làm thì hẳn các vị phải sống trên chín tầng trời đằng vân giá vũ ngồi trên tam bảo rồi chứ không đứng trước micro đi xe hơi như vậy. Như Đức Thế tôn nói, những vị ấy thuộc về Tà.
Tại sao lại thuộc về tà?
Nếu nghĩ sâu ra một chút thì tu đạo hay truyền đạo cũng là một loại nhân quả. Thế gian có rất nhiều thánh nhân nhưng rất ít người có thể đưa ra Bồ tát nguyện để cứu khổ chúng sinh. Đến như Thích Ca Mâu Ni cũng chọn con đường Bổn sư để chỉ đường, chỉ đường chứ không đi hộ. Vì không phải ai cũng có thể đảm bảo không đưa một chút ý nghiệp, một chút tư tưởng vị kỷ cá nhân vào khi truyền đạo cho người khác, đừng nói là cứu khổ cho người khác. Con đường tu hành thực ra là một con đường độc hành. Sau khi Đức Thế tôn tìm ra con đường của mình ngài đã nhập định 7 tuần lễ trước khi quyết định có truyền đạo để cứu khổ thế nhân hay không. Mất bao nhiêu công tu hành để thoát khỏi nhân quả, nay lại dấn thân vào vòng nhân quả? Có ai dám chắc con đường mình đi là đúng, và con đường mình đi nếu đúng rồi thì người khác đi có đúng không? Chỉ cần một chút tư tâm thì khả năng là đã đi vào con đường tà. Vậy nên nhiều con đường tu chưa chắc có đường nào là chánh pháp, vì thế nhân ai cũng nghĩ mình là người đúng, thậm chí một kiếp hai kiếp vẫn chưa chắc nhận ra cái sai. Nhân quả để lại cho nhiều thế hệ hẳn là một nhân quả lớn.
Nhân quả trong các học thuyết phương Tây cũng có nhiều kiểu khác nhau.
Quay lại điểm khác biệt cơ bản trong triết học phương Đông và phương Tây là thời gian. Thời gian ở phương Đông là một vòng tròn, luân – bánh xe, hồi – quay lại. Thời gian ở phương Tây là một mũi tên. Đối với độ dài cuộc sống của một kiếp người, hay loài người, rõ ràng thời gian là một mũi tên, bắn từ quá khứ tới hiện tại tới tương lai, và chúng ta sống trên đường thẳng thời gian ấy. Vậy tại sao có người nghĩ thời gian là một vòng tròn? Vì đơn giản thế này, cho đến giờ ai cũng biết trái đất là hình tròn, nhưng hãy nhìn ra phía trước mặt mình, nhìn con đường trước mặt, nhìn mặt đất xem có cong không? Rõ ràng là không, vậy tại sao trái đất hình tròn được? Vì đơn giản là tầm vóc con người và tầm mắt của con người quá nhỏ so với trái đất, nên không thể nhìn thấy trái đất hình tròn. So với lịch sử của vũ trụ và “thời gian”, một kiếp người và cả loài người đều rất ngắn nên không thể nhìn được thời gian hình gì. Nhân quả ở phương Tây không hướng đến chuyện thoát khỏi chuỗi vòng của nghiệp như các tôn giáo phương Đông, mà tập trung vào các hệ quả theo chiều thời gian, nghĩa là từ một nhân (cause), sẽ có các hệ quả (effect) gì và các hệ quả này sẽ vận động theo mô hình nào. Ví dụ như hiệu ứng Domino là một chuỗi tuyến tính các phản ứng từ một phản ứng đầu tiên (con Domino đổ) dẫn đến một loạt các phản ứng kế tiếp theo một chiều xác định (các con Domino đổ theo thứ tự trước sau và không đổ ngược lại, và nếu một quân Domino nằm lệch khỏi bàn hoặc thiếu một quân thì các quân khác sẽ không đổ). Domino là một mô hình nhân quả đơn giản và dễ hiểu với đa số mọi người nên thường được dùng trong tuyên truyền. Ví dụ khi Covid, làm thế nào để khiến bớt lây lan và mọi người tránh tụ tập? Hãy bảo mọi người tránh xa nhau 2m. Với trí não của đa số con người, việc tránh xa 2m giống như 2 quân Domino xếp quá xa nhau nên quân này đổ vẫn có thể khiến quân kia không đổ. Và 2m là một khoảng cách đủ lớn để café, nhà hàng không thể hoạt động được, xã hội tự nhiên giãn cách.
Sau hiệu ứng Domino là một hiệu ứng nổi tiếng khác, hiệu ứng Cánh bướm. “Một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây một cơn bão ở Texas” (Predictability: Does the Flap of a Butterfly’s Wings in Brazil Set off a Tornado in Texas?) – theo Edward Norton Lorenz, người nghiên cứu các mô hình thời tiết vào năm 1972. Trong một lần nghiên cứu mô hình, Edward lỡ nhập một tham số đầu vào là 0,506 thay vì là 0,506172 nên kết quả đầu ra của mô hình thời tiết khác hẳn.
Hiệu ứng cánh bướm là một kiểu nhân quả nằm trong “lý thuyết hỗn loạn”, về việc cuộc sống có rất nhiều điều kiện hiệu ứng đan xen vào nhau, một tác động nhỏ – NẾU gặp một số điều kiện nhất định – có thể tạo ra những tác động rất lớn mà từ tác động đầu tiên chúng ta không thể nhìn thấy được. Hiệu ứng cánh bướm thường được ưa chuộng bởi nhiều người bởi nó đại diện cho sự vô minh bất khả tri trong cuộc sống. “Cuộc đời ai biết được” – kiểu như vậy. Ví dụ nếu không đi qua con đường đó ở ngày hôm đó thì sẽ không gặp người đó, thì có lẽ đời mình đã khác hẳn. Lại nói chuyện về dịch bệnh, ở một dịch bệnh có độ lây lan cao trong Covid, hiệu ứng cánh bướm được coi như một mô hình hang đầu để quản trị rủi ro, khiến các nhà lãnh đạo bắt toàn bộ người dân phải ở trong nhà, vì chỉ cần một vài mầm bệnh nhỏ có thể lây lan ra cả xã hội. Các bộ phim thảm họa, zombie thường được chiếu thường bắt đầu từ những việc rất nhỏ. Nhưng chính những con người thích nghĩ về cánh bướm, về nhân quả cũng lại thường cho rằng “cả xã hội làm thế trừ mình ra thì cũng không chết ai”. Bản chất con người, suy cho cùng, là mâu thuẫn, và cơ bản là ý nghiệp nên gây ra thân nghiệp và khẩu nghiệp.
Nhưng những người sùng bái cánh bướm và sự bất định chưa chắc biết rằng ngay cả hiệu ứng cánh bướm cũng có thể mô hình hóa, trong đó chỉ cần thay đổi dư chấn ở giai đoạn đầu là có thể kiểm soát rất nhiều thứ về sau. Ví dụ mô hình xanh và vàng chỉ sai lệch ở một khoảng 0.00001 ở điểm đầu nhưng lại hoàn toàn khác nhau ở về sau.
Lý thuyết hỗn loạn, mô hình lớn hơn của hiệu ứng cánh bướm, dùng để mô tả các chuỗi nhân quả trong một mô hình không gian phi tuyến tính hoặc không giới hạn số chiều không gian, tưởng tượng như bắn một khẩu súng vào một căn phòng mà các bức tường đều có thể nảy lại viên đạn, nhưng bề mặt mỗi bức tường lại gồ ghề sần sùi không theo chiều hướng xác định nào cả. Viên đạn sẽ bắn loạn xạ . Lại tưởng tượng tiếp bề mặt mỗi bức tường chuyển động liên tục. Đó là lý thuyết hỗn loạn. Nhưng ngay cả sự hỗn loạn này cũng có thể biểu thị bằng mô hình và có thể bắt đầu từ những nguyên tắc rất đơn giản. Những kết quả trông có vẻ ngẫu nhiên nhưng có thể dự đoán trước bằng những phương trình đơn giản, trong đó các điều kiện cần phải nghiên cứu bao gồm: độ nhạy cảm, độ biến đổi và vùng thu hút / vùng trũng. Ví dụ một con lắc cho dù lắc lư đến như thế nào quỹ đạo ra sao thì tất cả các quỹ đạo đó cũng đều có điểm chung là chiều thẳng đứng từ con lắc xuống đất, và cuối cùng con lắc sẽ dừng ở điểm đứng yên đầu tiên, tức là vùng trũng. Một cái nhìn khác của luân hồi.
Trong những nhà toán học xuất sắc của phương Tây có một người là Stephen Wolfram trong khi cố gắng tìm ra các quy tắc cơ bản trong vũ trụ, đã gói gọn lại rằng, nếu một số quy tắc mặc dù rất đơn giản nhưng tồn tại trong thời gian đủ lâu thì cũng sẽ trở thành mô hình rất phức tạp. Ví dụ Quy tắc 30 như sau: Tưởng tượng ô vuông có 2 trạng thái Bật (trắng) hoặc Tắt (đen). Một ô vuông sẽ bật trong lần kế tiếp nếu 2 ô vuông bên cạnh cùng tắt hoặc cùng bật. Ô vuông sẽ tắt nếu một ô vuông bên cạnh bật. Ví dụ với chuỗi 4 tế bào ban đầu, sau đó nhân dần lên 16*30 tế bào thì sẽ trở nên rất phức tạp.
Sau 250 lần tiến hóa và tự nhân lên mô hình thành như thế này
Những quy tắc ban đầu cho dù đơn giản đến đâu, sau một khoảng thời gian đủ dài và một không gian phát triển đủ lớn thì cũng trở nên cực kỳ phức tạp và tưởng như bất định.
Khoa học càng phát triển, bản chất của thế giới càng được hé lộ.
Trong vật lý lượng tử có một lý thuyết gọi là “Hiệu ứng người quan sát”, khi một sự vật bị quan sát, đo đạc, cho dù không có bất kỳ tác động nào thì tính chất của sự vật đó sẽ thay đổi. Trong thí nghiệm khe đôi lượng tử, khi để 2 khe hẹp ở gần nhau và bắn 1 dòng electron / photo qua, tự dòng hạt này sẽ phân làm 2 và giao thoa ở đích, minh chứng là các dải eletron / photon đều ở phía sau.
Tuy nhiên, khi đặt máy đo ở điểm (b) hoặc (c), sự giao thoa biến mất.
Nghĩa là bản thân “hạt”, đơn vị nhỏ nhất trong thế giới vật chất, biết nó bị quan sát và thay đổi bản chất. Ở nhiều thí nghiệm khác, như John Wheeler làm năm 1970, với công nghệ hiện đại người ta tìm cách ‘bắt’ photon (các hạt ánh sáng) trên đường đi trước khi chạm đến F (máy dò). Nhưng bất kỳ khi nào người ta tìm cách bắt photon để đo, đặc tính của photon đều thay đổi, sự giao thoa biến mất.
Ý nghiệp, như Thích Ca Mâu Ni nói, thực sự tạo ra hệ quả, thậm chí còn thay đổi bản chất của sự vật.
Thí nghiệm này cũng đưa ra một vấn đề là: nếu chúng ta chỉ quan sát được kết quả, cái chúng ta tưởng là quan sát quá trình thì thực ra cũng chỉ là kết quả, còn quá trình ‘thực sự’ diễn ra như thế nào thì sẽ bị ẩn đi khỏi bất kỳ sự quan sát nào; vậy thì có khả năng nào kết quả chúng ta quan sát được, thực ra chỉ là kết quả vũ trụ cho ta thấy? Và cái gọi là quá khứ chẳng qua chỉ là một trong các khả năng xảy ram chứ chúng ta không thực sự biết được? Einstein trong bài báo “Kiến thức về quá khứ và tương lai trong cơ học lượng tử” (1931), đã cho rằng tương lai cũng như quá khứ, đều là bất định. Quá khứ chúng ta nhìn thấy là tất định, nhưng quá khứ thực sự là bất định. Einstein tin rằng quá khứ và tương lai không hoàn toàn độc lập với nhau. Theo nguyên lý причинность (nhân quả), các sự kiện trong quá khứ sẽ ảnh hưởng đến các sự kiện trong tương lai, và ngược lại. Tuy nhiên, mối quan hệ này không phải là một mối quan hệ xác định, mà là một mối quan hệ xác suất do sự ảnh hưởng của bất định lượng tử. Nên mỗi khi chúng ta đưa ra một lựa chọn, có nghĩa là chúng ta đã làm ảnh hưởng đến tương lai theo nguyên lý nhân quả.
Thực ra nói chính xác, là nguyên lý nhân – duyên – quả. Nhân A chưa chắc sẽ thành Quả B nếu thiếu Duyên X. Nếu Nhân A gặp duyên Y thì sẽ biến thành quả C. Nên quay lại câu chuyện bước lên con đường tu đạo và bước vào thế giới siêu hình là bước lên con đường có thể trở thành con người lệch lạc. Nên Phật Thích Ca mới nhấn mạnh vào ‘chính pháp’, ‘chính kiến’ và ‘ý nghiệp’. “Nhận thức và quan điểm đúng đắn (chánh kiến) mới có thể tìm ra phương cách chuyển hóa tích cực. Người tin nhân-duyên-quả (chánh tín) thì không bị các phép lạ mê hoặc hay cầu xin ân sủng của thần linh. Họ chỉ chú trọng, nỗ lực tạo thêm các nhân duyên tốt. Duyên hay các nhân phụ nếu liên tục được tạo ra theo hướng tích cực thì sẽ khiến cho nhân chính bất thiện bị lệch hướng, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không.”
John Archibald Wheeler, người cùng nghiên cứu với Einstein cho rằng, “vũ trụ đang trong quá trình hình thành và quá khứ không cố định mà thay đổi tùy thuộc vào những quan sát hiện tại của chúng ta.” Chúng ta (loài người hiện tại) là một phần của vũ trụ đang trong quá trình hình thành; chúng ta là những mảnh nhỏ của vũ trụ đang tự soi xét và xây dựng chính nó. Không chỉ tương lai là vẫn chưa được xác định mà quá khứ cũng vậy. Và bằng cách nhìn ngược thời gian, thậm chí ngược lại đến Vụ nổ lớn, những quan sát hiện tại của chúng ta chọn ra một trong nhiều lịch sử lượng tử có thể xảy ra cho vũ trụ.
Theo quan điểm của Wheeler – https://www.discovermagazine.com/the-sciences/does-the-universe-exist-if-were-not-looking , vào mỗi thời điểm, toàn bộ vũ trụ đều chứa đầy những sự kiện như vậy, nơi các kết quả có thể xảy ra của vô số tương tác trở thành hiện thực, nơi sự đa dạng vô hạn vốn có trong cơ học lượng tử biểu hiện thành một vũ trụ vật lý. Và chúng ta chỉ nhìn thấy một phần nhỏ bé của vũ trụ đó. Wheeler đề xuất rằng vũ trụ chứa đầy những đám mây bất định, nơi các kết quả có thể xảy ra của vô số tương tác vẫn chưa được xác định. Khi chúng ta quan sát những đám mây bất định này, chúng ta chọn một lịch sử có thể xảy ra cho vũ trụ, khiến nó trở thành hiện thực. Điều này có nghĩa là quá khứ không cố định mà thay đổi tùy thuộc vào những quan sát hiện tại của chúng ta.
Wheeler là người đầu tiên thừa nhận rằng đây là một ý tưởng khó hiểu. Nó thậm chí không thực sự là một lý thuyết mà là một trực giác hơn về một lý thuyết cuối cùng của vạn vật có thể như thế nào. Đó là một hướng đi mong manh, một manh mối cho thấy bí ẩn của sự sáng tạo có thể nằm không phải ở quá khứ xa xôi mà là ở hiện tại sống động. Tóm lại là, mối quan hệ của Quá khứ và Hiện tại phụ thuộc vào người nhìn.
Có một cách khác để tưởng tượng thế này: Ánh trăng chiếu xuống nước. Một người đứng ở cạnh mặt hồ sẽ thấy mặt trăng tròn. Một người đứng ở bờ khác sẽ thấy mặt trăng méo. Một người đứng ở phần hồ có gió sẽ thấy ánh trăng rung rung. Một người đứng ở xa thấy trăng nhỏ. Một người đứng ở gần thấy trăng to. Có bao nhiêu người ngắm trăng thì có bấy nhiêu ánh trăng trong tâm thức. Nhưng trăng chỉ có một, hồ chỉ có một. Hoặc thậm chí, chưa chắc có ánh trăng?
Lý thuyết này nếu đi sâu hơn có thể gặp Pháp tướng tông ở một điểm. Pháp Tướng tông cho rằng, hiện tượng đều là biểu hiện của ‘thức’ mà có, cho nên về bản chất mọi sự đều không có thực. Tâm sinh vọng tưởng là như vậy. Có thờ có linh cũng là như vậy.
Thực ra có thể trong một khoảng không thời gian nào đó mà chúng ta không thể nhận biết – đã có Chúa và các Đấng sáng thế nào đó tạo ra thế giới này. Các tôn giáo – cho dù có khác nhau về quan điểm hay về nguồn gốc, đều đồng ý với nhau rằng ở mức độ Sáng thế, các vị Chúa không quản lý thế giới bằng việc lắng nghe, giải quyết, điều chỉnh, mà quản lý bằng những quy tắc. Nhân – Quả là một quy tắc chính và chúng ta buộc phải chấp nhận.
Ở các mức độ thấp hơn, các tôn giáo đều có những vị thần để lắng nghe, điều chỉnh, hành động, và các phép lạ xảy ra dưới dạng ‘phước lành’, ban phát cho chúng sinh. Đây là một trong những điều cơ bản của tôn giáo. Về bản chất, con người – do nhận thức được hạn chế của mình – thường xin những thứ “ngoài vòng lặp”, “ngoài Nhân Quả”, những thứ “bất quy tắc”. Xin tài lộc trên trời rơi xuống, vận may bất chợt… Các vị thần tồn tại như một lý do để chứng minh cho sự bất quy tắc. Nhưng thực ra ngay việc xin xỏ, bản thân nó cũng là Nhân Quả, “cái gì cũng có giá của nó”, “be careful what you wish for”. Rất nhiều thành ngữ trong phương Đông hay idioms trong phương Tây được tạo ra chỉ để nhắc nhở chúng ta, chẳng bao giờ chúng ta thoát được Nhân Quả, vì chính thứ tự nhiên rơi xuống đầu có thể là nhân của một loạt quả không hay ho lắm.
Cũng vì lẽ đó, “Đạo” – nghĩa là “con đường”, gần như là một lối thoát duy nhất của rất nhiều người. Mọi tôn giáo đều mờ mờ tỏ tỏ ám chỉ việc theo giáo lý của họ, con người sẽ được “giải thoát”, đi ra khỏi Luân hồi – chính là một kiểu của vòng Nhân – Quả. Việc nhận thức được Nhân – Quả là chuyện gần như quan trọng nhất.
Nhìn vào tất cả các lý thuyết này để thấy, đúng là khi bắt đầu tu tập thì nhìn núi sẽ thấy chẳng phải núi, nhìn sông sẽ thấy chẳng phải sông. Nhưng khi nhìn thấy núi chẳng phải núi, là bắt đầu đi vào một cái mê cung lầm lạc, phải luôn giữ cho tâm phải minh, kiến phải chính, vì một bước sai có thể là vạn bước sai. Muốn giữ cho tâm được minh thì phải giữ lấy cái sơ tâm, là các quy tắc ban đầu, và phải luôn sám hối.
Từ Phật giáo, Kito Giáo, Hindu hay Thiên chúa giáo, “sám hối” luôn là bước đầu tiên của “ngộ đạo” – tìm ra con đường của chính mình.Khi sám hối, chúng ta nhận ra những lỗi lầm của mình, những thứ khiến chúng ta thấy hối hận bây giờ (quả) – chính là những “nhân” mà ta từng gieo. Thực ra không cần phải theo bất kỳ tôn giáo nào, việc nhận thức được sự sai của mình, sai ở đâu, và sửa, cũng là một chuyện quan trọng nhất. Tuy nhiên dưới sức mạnh của tâm linh, sự nhận thức này đến nhanh và mạnh mẽ hơn nhiều so với một trận mắng mỏ của bố mẹ hay giận dỗi của người bên cạnh.
Khi nhận ra Nhân Quả, tức là con kiến đã bắt đầu nhận ra việc mình cả đời chỉ bò tới bò lui trên một vòng lặp. Từ đây nó có thể bò ngược lại, bò sang mặt bên kia, hoặc tìm cách bò ra ngoài vòng lặp này.Sự giác ngộ trong Thiên Chúa giáo, hay trong đạo lý tôn giáo mới như Pháp Luân công, về bản chất là muốn con người nhận ra cái gốc, cái “nhân” đầu tiên của mình, rằng về cơ bản chúng ta không thuộc thế giới này, nhưng đã gây ra lỗi lầm, và chịu hậu quả là bị đày xuống trần gian. Ở Phật giáo, “đời là bể khổ” cũng mang ý nghĩa tương tự, và mọi thứ chỉ được giải thoát ở cõi niết bàn. Nếu để ý, tử vi của một người không bao giờ bắt đầu từ 0 tuổi, mà luôn bắt đầu từ 2, 3, 4, 6 tuổi, tức là từ thời điểm cá nhân đó bắt đầu có nhận thức về cuộc sống, tự tạo ra “Nhân” của mình, tự đắm chìm trong bể khổ mà không hay biết.Việc nhận ra Nhân Quả và sám hối mang một ý nghĩa quan trọng với bất kỳ cá thể nào, nó có nghĩa là từ đầu đến cuối cuộc đời mình sai và bết bát cũng chỉ là do mình, ngay đến hoàn cảnh, cũng chỉ là một tác động gián tiếp đưa đẩy mình đến những quyết định sai lầm. Và từ đó, việc “tu” (có nghĩa là sửa) bắt đầu từ “không lặp lại sai lầm cũ”, “sai đâu sửa đó”, “Sai rồi thì nhớ”. Nó cũng có ý nghĩa thức tỉnh con người cẩn thận trong từng việc, từng hành động của mình, về cái “nhân” mình có thể tạo ra.Còn nếu mãi mãi than vãn rằng tính cách mình như thế rồi không sửa được, mình không sai do người khác sai… thì chẳng bao giờ khá lên được. Ego – Cái Tôi là một trong những giá trị hiếm hoi để tách biệt cá nhân một con người với hàng tỉ con người khác. Nhưng Ego, cũng giống như mọi thứ trên đời này, không bao giờ hoàn hảo ngay từ đầu, cần được sửa chữa, cần được học hỏi, cần được thay đổi, để tốt lên.
—-
Thế giới này có vẻ được vận hành không phải ở bộ 2, mà là bộ 3, Quá khứ – Hiện tại – Tương lai là một sợi dây, Nhân – Duyên – Quả là một sợi dây, thế giới chưa chắc là song song, mà là có thể là Tam Song. Nếu không lần được sợi dây nhân quả, thì cố mà lần vào sợi dây duyên. Nếu không nhìn rõ được quá khứ hay tương lai, phải cố nhìn vào điểm đứng của hiện tại và bước đi tiếp theo. Nếu ánh trăng nhìn thấy bị méo thì phải nhìn xung quanh rồi chọn chỗ khác.
“ Chúa vận hành thế giới theo một cách bí ẩn mà con người không thể hiểu được”, chắc chỉ vì một chữ Duyên không thể hiểu được.