Những Ngày Không Tên

12/07/2024    131    4.65/5 trong 18 lượt 
Những Ngày Không Tên
Trong những ngày đau buồn tang thương thì ngoài việc đi làm, lao đầu vào viết là một giải pháp để giữ đầu mình luôn bận bịu và luôn nghĩ.
 Trong những ngày đau buồn tang thương thì ngoài việc đi làm, lao đầu vào viết là một giải pháp để giữ đầu mình luôn bận bịu và luôn nghĩ.

Khoảng thời gian từ sau ngày Giáng sinh đến ngày đầu năm mới Dương lịch là một khoảng thời gian kỳ lạ. Tất cả mọi báo cáo số liệu gần như đã chốt. Nếu cố thì cũng không có gì đặc biệt, trừ khi rất đặc biệt. Ai còn ngày nghỉ thì nghỉ nốt. Ai còn gì chưa làm được với bản thân thì tranh thủ làm. Ai còn việc phải làm thì sẽ tự hỏi đây là vấn đề của năm nay hay năm sau. Có một xu hương diễn ra gần đây là wrap-up, đóng gói lại một năm. Các wrap-up này, từ nhạc, đến phim, thậm chí đến shopping, tiêu dùng, đều tổng kết đến những ngày đầu hoặc giữa tháng 12 chứ không phải ngày 31. Những gì diễn ra trong “những ngày thừa” này trở nên lạc lõng, không ghi vào năm trước, cũng chẳng ghi vào năm sau.

Năm nay đến thăm ngôi đền Maya ở Chichen Itza. Người Maya từ 2000 năm trước đã làm ra hệ thống lịch của riêng mình gồm có 18 tháng, mỗi tháng 20 ngày, và 5 ngày cuối biểu tượng là toà tháp 9 tầng (mỗi tầng tượng trưng cho 40 ngày) và tầng 10 là đỉnh. Một năm có 360 ngày thường – là “ngày có tên”, “named day” được đánh số từ 0-19 và có tên đàng hoàng, thậm chí có cả biểu tượng; và 5 ngày không tên – “days outside of time”, “nameless days” hay còn gọi là “dark days” – những ngày tối. Những ngày này là những ngày nguy hiểm, vì báo hiệu kết thúc một chu kỳ. Thời gian trôi chậm dần đến điểm cuối như một định mệnh được báo trước mà không thể đảo ngược. Khi đối diện một kết thúc chắc chắn, con người, và cả những vị thần, đều có thể trở nên điên cuồng. Trong 5 ngày không tên này, người Maya trở nên rất cẩn trọng và thường làm lễ tế thần, mong rằng năm cũ sẽ qua đi an lành. Ở đây nói thêm một chút về sự kết thúc của 2012, mà mọi người cho là tận thế. Người Maya tính lịch theo các Kỷ, gọi là Longcount Period. Mỗi thời kỳ này kéo dài hơn 5000 năm, chính xác là 5125 năm. Kỷ mà chúng ta đang sống là Kỷ thứ Năm, trước đó là Kỷ thứ Tư kết thúc vào ngày 10/8/3114 trước công nguyên. Ở ngày đầu Kỷ thứ Năm, Thần Mở bầu trời đã đặt ba hòn đá thiêng ở các góc vũ trụ để cạy mở màn đêm ra, đưa ánh sáng tới vũ trụ này. Đến 21/12/2012 là Kỷ thứ Năm kết thúc, “end of days”. Những gì sau đó thuộc về Kỷ thứ Sáu, là một bộ lịch mới, với những câu chuyện mới của những con người mới. Nó không báo hiệu cho sự kết thúc, mà có ý nghĩa về một tương lai bất định, không định danh được.

Ở lịch âm Việt Nam cũng có khoảng thời gian từ khi cúng ông Công ông Táo ngày 23 Tết cho đến đêm 30. Việc năm nay vẫn có nhưnng tâm trí đã ở năm sau. Có nợ thì trả. Có nhà thì dọn. Cắt tóc, mua sắm, dọn dẹp, chấm dứt các mối quan hệ.. con người như điên cuồng lao vào guồng quay gột rửa vì sự ám ảnh phải “sạch sẽ” trước khi sang năm mới. Những ngày này trộm cắp nhiều, cãi nhau nhiều vì tất cả đều trở nên bồn chồn và lo lắng nếu không mở đầu năm mới sung túc dồi dào. Tháng 12 Âm gọi là Tháng Củ mật. Củ mật không phải khoai mật, mà là Củ trong Quy củ, Mật trong cẩn mật. Tháng này cần sắp xếp mọi thứ một cách rõ ràng và cẩn thận đề phòng trộm cắp. Điều này cho đến bây giờ vẫn đúng. Nhưng con người thì nhanh quên, dễ lơ là, nên có thêm câu 30 chưa phải là Tết. Cẩn thận mấy thì đến phút cuối vẫn có thể lơ là nên càng về cuối càng phải cẩn thận.

Những ngày không tên cho dù trong lịch nào cũng là giờ phút chuyển giao của hai thời kỳ. Khí vận năm cũ đã gần tận, năm mới thì chưa tới. Lửa cháy gần tàn, củi mới chưa được tiếp. Năm cũ cho dù có tốt đẹp hay tang thương thế nào thì cũng phải qua đi, nuối tiếc cũng không giữ được. Năm mới cho dù bất định thế nào thì cũng phải đến, cũng phải mong chờ. Con người rất khó khăn để chấp nhận mất đi cái cũ, nhưng lại rất dễ dàng muốn có thêm cái mới. Cho dù thế nào, cũng mong năm mới được an lành.

ĐD