Closer. Closure.

12/07/2024    156    4.65/5 trong 18 lượt 
Closer. Closure.
Có một bộ phim xem khi còn trẻ tên là Closer, có Jude Law, Natalie Portman, Julia Roberts và Claive Owen .
 Có một bộ phim xem khi còn trẻ tên là Closer, có Jude Law, Natalie Portman, Julia Roberts và Claive Owen . Một bộ phim làm cho người ta vỡ vụn về cảm xúc và tự hỏi về tình cảm của chính mình cũng như của người khác dành cho mình. Từng nhân vật, mặc dù nhìn ở ngoài đều rất đẹp, rất cool, rất thành công nhưng đều vỡ vụn bên trong, gặp nhau, những tưởng mình có thể chắp vá lại chính bản thân mình trong những mối quan hệ tưởng chừng như hoàn hảo, nhưng lại vỡ vụn lần nữa. Jude Law gặp Natalie Portman khi đang đi trên phố ở London, một người đẹp trai như bước ra từ tiểu thuyết đánh mắt một cô gái trông không thể lẫn với ai được trên đường, cười với nhau, “Hello stranger”. Natalie khi đấy đang chơi vơi, chạy trốn quá khứ của chính mình, mới  tới London thì gặp một người hoàn hảo như vậy. Không có gì có thể cản một mối tình như thế khi câu Hello stranger được bật ra. Nhưng rồi Jude Law gặp Julia Roberts, một người đàn bà đẹp đích thực, một nghệ sĩ giàu có nhưng có trái tim sắt đá, một biểu tượng khiến cho bất kỳ đàn ông nào cũng muốn chinh phục hoặc tuân phục, và đang chán chồng. Chồng Julia Roberts – clive- lại muốn trốn khỏi nhà tù tâm trí của chính mình khi luôn tự ti bên cạnh vợ, sau này gặp Natalie khi cô vụn vỡ nhất. Khi xem phim này anh mới tầm hai mươi tuổi.  Toàn bộ sự phức tạp của các mối quan hệ trong phim như một cơn bão làm cho anh choáng ngợp, đến mức sau này thỉnh thoảng xem lại các đoạn trích vẫn phải hít thở sâu một chút. Mười mấy năm sau, một tối ngồi uống vang một mình ở cách nhà vài chục nghìn km, trải qua vài lần đổ vỡ, bất chợt anh lại thấy Closer trên Netflix. Lần này cơn bão của cảm xúc vẫn còn ấy, nhưng bước vào không còn ngợp như thế nữa, nhưng anh đã bước sâu hơn. Từng suy nghĩ, từng lý do của các hành động mà khi trẻ không hiểu nổi, từng  sự hỗn loạn trong nội tâm mà các diễn viên không nói ra mà chỉ thể hiện bằng hành động, anh gần như bóc ra từng lớp, từng lớp một và hiểu tất cả. Suy cho cùng thì mọi mối quan hệ trên đời này đều mong manh cả, từng hành động của mình phải rất cẩn thận để không bị cuốn theo cái tôi của chính mình và phá vỡ sự mong manh ấy. Nhưng có lúc, phá vỡ lại là một lựa chọn để đưa mình ra khỏi những thứ toxic. Mọi cuộc chia tay cho dù đắng cay đến đâu cũng có thể giải thích bằng ba chữ “Không Phù Hợp”. Có thể đối tác mình lừa dối, buông thả, có những tính nết xấu mình không thể chịu được, thì suy cho cùng là mình và họ không phù hợp. Khả năng đâu đó ngoài kia có những người phù hợp hơn với họ. Và một trong hai người nên có một người chấm dứt. Kể cả khi mình lừa dối, thì cũng có nghĩa là mình đã làm ra một lựa chọn, rằng mình không phù hợp với người bên cạnh.  Cảm xúc bao giờ cũng là cơn bão. Nhưng tình cảm lại là cái hồ, có nông có sâu. Lựa chọn chính là việc mình có muốn cái hồ của mình có sóng hay không. Đừng bao giờ đo đáy của lòng người.

Closure

Trong The Office có một đoạn như thế này. Nhân vật chính, Micheal Scott là giám đốc chi nhánh của một công ty giấy. Micheal là một người sống theo cảm xúc, một người lãnh đạo hết sức không mẫu mực, suy nghĩ trẻ con, làm việc theo cảm tính, hầu như không có khả năng thấu hiểu người khác, luôn muốn mọi thứ theo ý mình nếu không thì dỗi. Sau khi trưởng phòng nhân sự cũ nghỉ, công ty điều một trưởng phòng nhân sự mới từ chi nhánh khác về, tên là Hollie, xinh đẹp, thẳng tính và ngây thơ. Micheal và Hollie, sau rất nhiều ngượng ngập thì yêu nhau. Công ty liền điều chuyển Hollie về chi nhánh cũ, cách 10 tiếng lái xe, Micheal chỉ biết sau khi mọi việc được quyết định. Micheal lái xe đưa Hollie chuyển đồ về lại nhà cũ, một chuyến xe dài, khởi đầu rất lạc quan vui vẻ, cả hai đều nghĩ rằng 10 tiếng lái xe thì rất nhanh  nhưng càng đi đường càng dài, nhạc càng lúc càng nhỏ, nụ cười dần tắt chỉ có sự mỏi mệt. Đến khi xếp đồ vào, chia tay, cả hai đều hiểu rằng chắc hẳn lần này là lần gặp cuối. Sau lần đó cả hai không gọi cho nhau. Sau khoảng một tuần thì việc gọi điện trở nên càng trở nên vô duyên, nhưng nỗi nhớ càng cồn cào. Bẵng đi khoảng 1 năm sau, Micheal vẫn không thể nào nguôi ngoai được. Việc không liên lạc với Hollie từ lần cuối giống như một vết khoét trong lòng, nên trong một lần đi công tác Micheal quyết định lái xe thẳng đến chi nhánh kia để tìm Hollie, và làm cô bất ngờ, lấy cớ là training cho nhân viên chi nhánh. . Micheal gọi đó là closure.

Đến nơi thì Hollie đang nghỉ phép, “Anh có thể liên lạc với bạn trai cô ấy, anh ấy bên kinh doanh đang ngồi ngay đằng kia“. Đương nhiên là sốc. Micheal không thể nói được gì, cũng hầu như không nghe thấy gì, đơng nhiên cũng không thể training được, chỉ ngồi nhìn tuyết.

Cho dù thế nào cũng là closure, sự day dứt đã được giải thoát.

Closer, trong từ điển Oxford,  nghĩa là “the last part of a performance”, phần diễn cuối trước khi hạ màn. Vở diễn kết thúc, chiếc màn được hạ xuống. Cho dù khán giả có tiếc nuối, hay bực tức, hay chán ngán, thì màn cũng được hạ. Không còn gì sau đấy nữa, tất cả cần phải đứng dậy và rời đi. Một dấu chấm hết. Một mối quan hệ bước vào closer là sự chấm dứt cho dù bao nhiêu day dứt tiếc nuối vẫn còn, nhưng chấm là hết, để bắt đầu sang một vở diễn mới, một mối quan hệ mới.

Closure cũng là mang ý nghĩa của sự kết thúc, nhưng lại là một cảm giác của sự kết thúc hoặc nghĩa phụ, gần hơn trong tình huống này – “(a need of) resolving an emotional or traumatic experience” -“cảm giác cần giải thoát về một sự day dứt khôn nguôi”.  Khi một mối quan hệ kết thúc mà không có sự chấm dứt hạ màn – ‘closer’, thì một trong hai, hoặc cả hai sẽ có cảm giác ‘closure’, day dứt không giải thoát được. Trong tình huống khác, một người thân qua đời, một em chó hay một em mèo yêu quý bỏ đi mà mình không có cơ hội nói lời tạm biệt hay đi tìm, một việc đáng lẽ mình có thể làm nhưng mình không làm, một cơ hội tuyệt vời mà mình lỡ lắc đầu hoặc bỏ qua, đều cũng để lại một cảm giác ‘closure’  trong một khoảng thời gian, thậm chí là day dứt mãi mãi. Nhiều người sẽ không thể hiểu tại sao một người mãi không đi qua được bóng tối của một mối quan hệ cũ, hay một con mèo biến mất mà nhớ mãi. Vì sao vậy? Vì cái mọi người nhìn thấy là ‘closer’ – mối quan hệ đã chấm dứt, chứ không thấy được ‘closure’ là một cảm giác rất cá nhân mà chỉ tận sâu trong lòng mình mới cảm nhận được.  

Có một câu rất hay như thế này: “You will regret more of what you haven’t done, not what you have done”. Càng trải qua nhiều chuyện càng thấy đúng.

Nên thực ra nhiều khi việc gặp lại hoặc việc đi tìm, chính bản thân mình cũng biết là vô nghĩa, nhưng cái mình muốn thấy chưa chắc là thứ mình đi tìm, mà là cảm giác an lòng. Ít nhất là mình đã cố, gút mắc được tháo, và không còn  closure – ‘cảm giác về một sự day dứt cần đượcj giải thoát’ nữa.

Anh mong rằng sau chuyến đi này anh sẽ an lòng.

ĐD