Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất bắt nguồn thế này: Đức Thích Ca niết bàn và vừa mới được hỏa táng xong, tất cả các vị A La Hán, Tăng ni, đệ tử đều khóc than. Có một anh trai tỳ kheo tên là Bạt Nan Đà nói thế này: Vị trưởng lão ấy (chỉ Phật) thường dạy chúng ta nên làm như thế này, không nên làm như thế kia; nên học những điều này, không nên học những điều kia, thật là phiền toái. Bọn chúng ta ngày nay mới thoát được nỗi khổ ấy, tùy ý muốn làm gì làm, không còn ai ngăn cản nữa. Vì sao các ông lại thương tiếc khóc than?
Ca Diếp – Đầu đà (tu khổ hạnh) đệ nhất thấy thế sợ quá không ổn rồi đại ca vừa mới viên tịch xong bọn nó đã định làm loạn thế này, mà các lời của đại ca thì thường chỉ được nhớ lại (Thập đại đệ tử đi theo nghe hiểu) và thuyết giảng (nói) chứ làm gì có gì mà ghi, nên là phải tập hợp các trưởng lão lại để ghi lại lời cho đồng nhất chứ không về sau người ta chẳng hiểu sao lại phải tuân theo.
Ngay trong thời đại của thánh nhân, người được tiếp xúc trực tiếp với thánh nhân mà còn nghĩ rằng đi tu khổ thế này, đợi mãi anh ấy mới niết bàn để mình được tùy ý, vậy mà cách 2500 năm sau hơi chướng tai gai mắt tí mà đã kêu mạt pháp là sao? Pháp chưa bao giờ mạt, con người thì vốn luôn mạt. Người mạt mới nhìn thấy rõ thánh nhân.
Quay lại Ca Diếp. Ca Diếp là một khổ đầu đà, nghĩa là một người đức hạnh tột cùng và đạt được A la hán nhờ Đức hạnh. Nhưng mà ngoài Ca Diếp thì trong Thập đại đệ tử vẫn còn 9 người khác, bao gồm A Nan – nhớ dai nhất (người học mãi không thành A la hán được, mặc dù là người nhớ dai nhất và nhớ mọi thứ nhưng Ca Diếp định gạt ra ngoài không cho truyền pháp vì chưa đạt đến trình độ như các anh, cho đến một ngày trước khi truyền pháp – tập kết kinh điển mệt quá mới độ A la hán trong đêm), Mục Kiền Liên – thần thông đệ nhất, người đạt được A La Hán ngay sau khi xuất gia 7 ngày, thống lĩnh tăng đoàn, ngang hàng với Ca Diếp (nhưng không cứu được gia đình mình), Xá Lợi Phất – trí huệ đệ nhất, luận sư số 1, Tu bồ đề – tính Không đệ nhất, chẳng quan tâm gì, Phú Lâu La, Ca Chiên Diên, A na Luật, Ưu Bà Li, La Hầu La (con của Phật).
Nghĩa là trong thập đại đệ tử, đều chứng A La Hán (thánh quả lớn nhất, sau khi độ xong tứ thiền bắt đầu đi vào thánh đạo), mỗi người một tính, mỗi người một phong cách, điểm chung là đệ tử của Phật. Nghĩa là con đường của Phật – con đường trung đạo – là con đường hữu giáo vô loại (Khổng Tử), con đường thành thánh nhân cho dù tính cách, thần thông, phong cách đắc đạo như thế nào. Minh Tuệ là khổ đầu đà, dùng khổ hạnh để đi lên con đường thánh nhân. Vì sao? Vì với Minh Tuệ, khổ hạnh là con đường phù hợp nhất. Minh Tuệ không thể tu trong chùa, không thể nghe giáo lý, không thể ngồi thiền, không tự coi mình là Phật để nhận hương hỏa cúng dường được, chỉ có thể ngộ khi đi. Con đường của Minh Tuệ là một con đường đúng với Minh Tuệ, nhưng chưa chắc đúng với người khác, kể cả có đi theo mà không có cái tâm đó thì cũng khó chứng đạo được (*). Nếu bảo Ca Diếp, một người sinh ra với sự yên tĩnh lạ kỳ, tu tập như cách A Nan hoặc Mục Kiền Liên tu tập, chắc ngài khó mà chứng đạo được. Vậy nên Phật mới là Bổn Sư, người dạy, và Bổn Sư dạy là tôi nói thì nói các anh nghe thì nghe nhưng phải thực hành, phải tự thực hành và thực chứng thì mới thực ngộ được, còn nghe không gật gù thì thôi. Bạt Nan Đà chính là biểu tượng của việc đi theo người đó mà không có cái tâm đó. Là một tỳ kheo được đi theo Phật, nghe lời Phật, diện kiến Phật, mà cứ đi theo thôi còn không hiểu sao lại thế lại còn thấy khó thế mệt thế (nhưng vẫn đi theo), chỉ chờ đến khi trưởng lão đó qua đời là a lê hấp. Phật quang phổ chiếu mà tâm vẫn vô minh thì cũng không chiếu được.
Lần Tập kết kinh điển lần thứ nhất, chủ trì là Ca Diếp. Khi Phật còn sống, A Nan là người nghe lời Phật nhiều nhất, vì A Nan là người nhớ dai nhất. A Nan lúc đầu tham gia Phật với một số điều kiện: chỉ làm tôn giả nếu Phật không ưu ái mình hơn người khác, chỉ tham gia với điều kiện mình tham gia mọi bài giảng, bài nào mình không tham gia thì người khác (thập đại đệ tử) phải giảng lại – vì ngài biết nhiệm vụ của mình với trí nhớ phi thường. A Nan cũng là ngươi đặt yêu cầu để cho phụ nữ được lễ Phật và nghe Phật. Thậm chí A Nan là người phát hiện Đề-bà-đạt-đa muốn giết Phật. (Đề Bà Đạt Đa, người đã phản bội tăng đoàn khi không được Phật giao lãnh đạo tăng đoàn, chính là người bắt đầu trường phái khổ hạnh, Hạnh Đầu Đà). Đặt ở thế kỷ 20 thì A Nan là một người vĩ đại. Nhưng mà ở giữa các đại đệ tử, thì A Nan.. có vẻ không được lòng lắm. Nên ngay khi Phật mất, Ca Diếp đã không định cho A Nan thuyết giảng vì chỉ có các A La Hán (500 người) mới ‘đủ tư cách’ tham gia.
Các Tỳ kheo đều tán đồng lời nói của tôn giả Đại Ca Diếp, và thưa rằng: “Thưa trưởng lão, A Nan thường hầu cận Thế Tôn, Thầy ấy thông minh, nghe nhiều, gìn giữ kho tàng chánh pháp đầy đủ, nay ta nên mời Thầy vào trong số những người kết tập luật tạng”. Tôn giả Ca Diếp liền bảo: “A Nan còn ở địa vị cần phải học (hữu học),còn bị tham ái, sân hận, si mê và sợ hãi chi phối, không nên cho tham dự”.… Đến lúc nửa đêm, thân thể mỏi mệt cực độ, A Nan định nằm nghĩ một chút, liền nghiêng đầu xuống gối, khi đầu vừa chấm gối, thì bỗng dưng dứt hết lậu hoặc. Các Tỳ kheo biết thế bèn thưa với Ca Diếp: ” Đêm qua A Nan đã được giải thoát, giờ đây nên cho thầy vào trong số người kết tập luật tạng”. Ca Diếp liền chấp nhận đề nghị ấy.
Như vậy nghĩa là gì? Nghĩa là ngay khi Phật mất, sự chia rẽ đã bắt đầu. A Nan là người nghe giảng và nói lại, nên các kinh sau này thường được mở đầu bằng câu “như thị ngã văn…” có nghĩa là “tôi nghe như vậy, một thời, tại…”, tôi ở đây chính là A-nan. Các kinh văn được nghe lại, truyền lại, rồi tụng lại, chứ không được ghi lại, mà ghi lại thì chắc chắn là có người ghi sai (mặc dù đều là La Hán); nên sau này mới có Tập kết kinh điển lần thứ hai, rồi có Đường Tam Tạng lặn lội sang Tây Thiên để đưa kinh điển gốc (được chỉnh sửa tập hợp nhiều lần) về dịch lại.
Ngay trong Tập kết kinh điển, A Nan cũng đã bị hỏi khó khá nhiều và bị quy tội khá nhiều:
Thế rồi,tôn giả Ca Diếp tuyên bố: “Từ nay chúng ta đã kết tập giáo pháp hoàn tất. Từ nay trở đi, những gì Phật không chế định thì không được tùy tiện chế định, những gì Phật đã chế định thì không được vi phạm. Chúng ta phải kính cẩn học tập những gì Phật đã chế định”.
Tôn giả A Nan bấy giờ thưa với tôn giả Ca Diếp: “Chính bản thân tôi từng nghe Phật dạy rằng: “Sau khi ta Niết bàn, nếu thấy những giới nào có tính cách nhỏ nhặt, các ngươi có thể loại bỏ”.
Ca Diếp liền hỏi: “Thầy cho những giới nào là nhỏ nhặt?”.
A Nan đáp: “Không biết”.
– Vì sao không biết?
– Vì tôi không hỏi Thế Tôn.
– Vì sao không hỏi?
– Vì bấy giờ thân Phật đang bất an, sợ làm não loạn Ngài.
– Vì thầy không hỏi ý nghĩa những vấn đề ấy, nên phạm tội Đột cát la, phải tự mình nhận tội và sám hối.
– Thưa Đại đức, không phải là tôi không tôn kính giới mà không hỏi ý nghĩa những vấn đề ấy nhưng vì sợ làm phiền Đức Thế Tôn, nên không hỏi. Trong vấn đề này, tôi không thấy mình phạm tội, nhưng vì kính trọng và tin tưởng Đại đức, nên tôi xin sám hối.
– Khi thầy vá y Tăng già lê cho Thế Tôn, thầy đã dùng chân đạp lên y, do đó, phạm tội Đột cát la…(nt).
– Thưa Đại đức, không phải là tôi không kính trọng Phật, nhưng vì lúc đó không có ai cầm y,nên tôi phải dùng chân đạp lên y để vá…(nt).
– Thầy đã ba lần cầu xin Thế Tôn cho phép nữ giới xuất gia trong chánh pháp, nên phạm tội Đột cát la…(nt).
– Thưa Đại đức, không phải là tôi không tôn kính pháp, nhưng vì bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề Cù Đàm Di từng nuôi dưỡng Thế Tôn đến trưởng thành, rồi Ngài đi xuất gia mà thành Chánh giác. Công ơn ấy cần phải báo đáp, nên tôi mới ba lần cầu thỉnh Thế Tôn cho phép nữ giới xuất gia…(nt).
– Khi Phật sắp nhập Niết bàn đã hiện tướng nói với Thầy rằng: Nếu người nào đạt được bốn thần túc, muốn giữ thọ mạng một kiếp hoặc hơn một kiếp đều có thể làm được, Đức Như Lai đã thành tựu vô lượng thiền định, và đã ba lần hiện tướng nói với thầy như thế mà thầy không cung thỉnh Phật trụ thế một kiếp, hoặc hơn một kiếp, nên phạm tội Đột cát la…(nt).
– Thưa Đại đức, không phải tôi không muốn thỉnh Phật trụ thế lâu dài, nhưng vì ác ma Ba Tuần che mờ tâm trí của tôi, nên tôi không thưa thỉnh… (nt).
– Ngày xưa, Phật đã ba lần nhờ thầy đi lấy nước cho Phật uống, mà rốt cuộc thầy không dâng nước cho Phật, nên phạm tội Đột cát la…(nt).
– Thưa Đại đức, không phải là tôi không dâng nước cho Phật, nhưng vì bấy giờ có 500 chiếc xe vừa đi qua phía trên dòng sông khiến cho nước đục sợ uống vào sinh bệnh, nên tôi không lấy nước cho Thế Tôn…(nt).
– Thầy đã cho phép nữ giới lễ Xá lợi Phật trước mọi người, nên phạm tội Đột cát la…(nt).
– Thưa Đại đức, không phải tôi muốn cho phép nữ giới lễ Xá lợi Phật trước nhưng vì trời sắp tối,họ vào thành không kịp, nên tôi mới cho phép…(nt).
Thế Tôn có biết việc này không? Hẳn là có. Nên Đức Thế tôn mới phải chọn một người như A Nan hầu bên cạnh. Nên Đức Thế tôn mới là Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, mới nói là pháp là phải hành, tôi nói thế là tôi nói thế còn các vị phải hành mới được, mới có Thập đại đệ tử mỗi người một vẻ để người đi sau nhìn thấy con đường với mình cho dù mình là kiểu người thế nào, để chứng minh rằng mọi đường đều đúng miễn là người tu có hành. Thậm chí đến như Đề Bà Đạt Đa cũng có thể thành Phật ở hàng nghìn kiếp sau.
Thực ra cần có những người như Đề Bà Đạt Đa, ma quân thì Phật mới thành Phật. Kinh Pháp Hoa có ghi: “Do người bạn tốt Devadatta mà làm cho Như Lai hoàn bị sáu pháp ba-la-mật, bốn tâm vô hạn, ba mươi hai tướng quý, tám mươi vẻ đẹp, thân màu hoàng kim, mười đại năng lực, bốn sự không sợ, bốn sự nhiếp hóa, mười tám sự đặc biệt, sức mạnh thần thông, sức mạnh tuệ giác, trở thành Bậc Biết khắp và đúng, hóa độ sâu rộng các loại chúng sinh, toàn là do người bạn tốt Đề-bà-đạt-đa.” Một Đề Bà Đạt Đa khác trong tông giáo khác là Judas thì không được tha thứ như vậy. Judas đã thành danh từ để chỉ sự phản bội, dị giáo. Thậm chí có một văn bản từ 2000 năm trước, Phúc âm của Judas, ghi rằng: “Jesus nói với Judas “Con sẽ vượt qua tất cả bọn họ. Vì con sẽ loại bỏ đi phần thể xác bao bọc ta.” Điều này cho thấy rằng Judas sẽ giúp giải phóng phần linh hồn bằng cách giúp Jesus giải thoát khỏi phần xác vật chất của người. Nhưng văn bản này đã bị chôn vùi và bất kỳ lời bào chữa nào cho Judas, nếu rơi vào thời Trung cổ sẽ bị giáo hội xiên lên trên cột đốt đến chết. Nhưng một điểm đáng chú ý là, số phận của Judas chưa bao giờ được kết luận trong Kinh Thánh. Một điểm nữa là, Jesus đã thực sự được coi là Chúa sau khi Người phục sinh. Thánh Peter và Thánh Paulus (Phao Lô!) đều coi Phục Sinh là bước ngoặt của Công giáo. Thánh Phao lô từng nói trong Corinthians 15:14: “Nếu Chúa Cơ Đốc đã chẳng sống lại, thì sự giảng dạy của chúng tôi ra luống công, và đức tin anh em cũng vô ích.”. Sự chết và phục sinh của Giêsu là hai sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử và thần học Cơ Đốc giáo. Đây là chứng cứ khẳng định quyền bính của Giêsu trên sự sống và sự chết, do đó ngài có quyền ban cho con dân ngài sự sống vĩnh cửu. Theo ký thuật của Kinh Thánh, Thiên Chúa đã khiến ngài sống lại từ kẻ chết, ngài lên trời, ngự bên hữu Thiên Chúa và sẽ trở lại để làm ứng nghiệm lời tiên tri về Đấng Messiah, cũng như về sự sống lại của kẻ chết, sự phán xét sau cùng, và sự thiết lập Vương quốc Thiên Chúa. Vậy mà Judas, “nhân” của “quả” Phục Sinh này đã bị gạt bỏ và hoàn toàn biến mất. Trong ảnh là một phần Phúc Âm của Judas được tìm thấy vào năm1970 ở Ai Cập.
Tại sao lại như vậy? Vì điều cơ bản trong tôn giáo phương Đông và phương Tây khác nhau là quan niệm về thời gian. Quan điểm của phương Đông là luân hồi. Đức Phật nhìn thấy những nghiệp quả của Đề Bà Đạt Đa và mình từ nhiều kiếp trước, và việc mình phải gặp những chuyện ám sát hiện tại chỉ đơn thuần là quả. Còn ở phương Tây, thời gian là mũi tên, mọi việc là sự vật. Judas phản bội Chúa nghĩa là Judas phản bội, không có từ ngữ nào hay kiếp luân hồi nào để giải thích cho sự việc đấy cả. Thời gian là mũi tên nên không thể quay ngược lại để tìm hiểu căn cơ.
The saints we see are all made of gold, những vị thánh nhân đều đi qua những chặng đường tham sân si hận hỉ nộ ái ố. Thánh nhân thì ít, gần tới Thánh nhân thì nhiều, còn giả dạng Thánh nhân thì rất rất rất nhiều. Mọi hình ảnh mình thấy, mọi con đường mình chọn, những người mình học mình thần tượng, chỉ là tham chiếu để soi lại nội tâm mình.