Quán Thế Âm Bồ Tát

12/07/2024    103    4.65/5 trong 18 lượt 
Quán Thế Âm Bồ Tát
Quán Thế Âm Bồ Tát

 

 

Hôm qua ngồi đọc một truyện có một đoạn rất hay, phải ghi lại kẻo quên.

“Pháp môn tu hành nằm ở ngay 5 chữ, “Quán Thế Âm Bồ tát”. 5 chữ này dạy chúng ta rằng, phải “xem” càng nhiều sách, “để ý” càng nhiều người, “Quán chiếu” càng nhiều việc; dành thời gian cho nhiều “Thế hệ”, bước nhiều bước chân trên “Thế gian”; dành thời gian một chút để nghe các “Âm thanh” của mọi người, nghe vạn vật đang nói gì, đừng có ngồi một chỗ lẩm bẩm; sau khi làm được những điều trên mà vẫn luôn giữ được cái tâm “Bồ tát”, ấy là tu hành.

 

Hầu hết mọi người đều biết đến Quán Thế Âm Bồ tát qua phim Tây Du Ký, ấn tượng sâu tới nỗi các tượng Quán Âm sau này đều được làm theo hình ảnh trong phim Tây Du ký. Trong phim này, sự quan trọng của Quán Thế Âm chắc chỉ sau mỗi Đường Tam Tạng và Ngộ Không. Những lần Ngộ Không tuyệt vọng nhất, cầu chư Phật chư Thần đều không được, thì lại tới Nam Hải tìm Quán Thế Âm. Đôi khi Bồ tát cũng hiện thân thành một bà lão, để chỉ dẫn cho Đường Tăng. Khác hẳn với các nhân vật khác luôn ở dạng “kính nhi viễn chi”, Quán Thế Âm lúc nào cũng tiếp xúc gần như trực tiếp với 4 thầy trò, nhưng ở góc độ một người dẫn đường, một người chỉ dẫn, một người hộ mạng chứ không giúp giải quyết tất cả. Ấn tượng của Quan Âm trong mọi người xem phim đều là sự yên tâm, rằng khi nào khốn khó nhất tìm đến Quan Âm.

Tại sao lại như vậy? Vì người đầu tiên dịch tên của Quán Thế Âm Bồ tát ra tiếng Hoa là Đường Huyền Trang. Trước khi Đường Tăng hành hương một mình sang Ấn Độ và mang kinh sách về, rất nhiều bộ kinh của Trung Quốc hoặc bị dịch sai, hoặc không đầy đủ, nên Phật giáo bị chia thành nhiều trường phái, mâu thuẫn lẫn nhau. Nguồn gốc của mọi mâu thuẫn trên đời đều đến từ việc không hiểu nhau, đến tăng ni Phật tử rồi các bậc Thánh nhân cũng không ngoại lệ. Năm 27 tuổi, Trần Huy – sau này là Đường Huyền Trang xách chiếc gùi đựng sách, kéo theo con ngựa, một mình vượt qua quãng đường hơn 5 vạn dặm để đến được Ấn Độ. Năm đi 27 tuổi, năm về 43 tuổi, đi qua 128 quốc gia lớn nhỏ Trần Huy trở thành Đường Huyền Trang, mang theo 657 bộ Kinh Phật, 150 Xá lợi tử, sau này được chính Đường Huyền Trang dịch gần như toàn bộ, và ngài trở thành Đường Tam Tạng, là nhà sư hiểu hết cả 3 bộ kinh Đại tạng kinh điển. Trong những Kinh và Luận Đường Tăng mang về và dịch, có Duy thức tông, Tịnh độ tông Mật tông, Đại thừa kinh; kinh Bát-nhã-ba-la-mật; các tập ký sự; các bài luận giải về Di-lặc, Dược Sư, Địa Tạng, A-di-đà và cả về Quán Thế Âm..

Chỉ thông qua Đường Huyền Trang, thế nhân mới biết đến một vị Bồ tát trong Đại thừa là Avalokiteśvara, ava (xuống) – lokita (chiếu) – isvara (người bao quát thế giới). Đường Huyền Trang dịch tên người là Quán Tự Tại ( trong Bát nhã Tâm kinh – dựa trên pháp của Bồ tát, tu tập nhiệm mầu nhờ quán chiếu mà được tự tại, giải thoát. Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đức Phật đã giải thích rõ cho Vô Tận Ý Bồ Tát về ý nghĩa của danh hiệu Quán Thế Âm là do vị Bồ tát này khi nghe âm thanh của chúng sanh xưng danh hiệu mình thì tức thời tầm thanh để cứu khổ. Nếu có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sanh bị các khổ não nghe đến danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, một lòng xưng danh Ngài thì ngay khi đó, Bồ Tát Quán Thế Âm tức thì quán sát âm thanh ấy, khiến cho họ đều được giải thoát. Sau đó tên Bồ tát được dịch chuyển biến thành Quán Thế Âm Bồ Tát (觀世音菩薩), đươc gọi đơn giản là Quan Âm (Guan Yin).

Có một câu Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn mà kể cả những người không theo đạo Phật cũng biết, đó là Om Mani Padme Hum – ॐ मणि पद्मे हूं – Úm Ba Ni Bát Mê Hồng. Nhưng không phải ai cũng biết đây chính là chân ngôn cầu Quán Thế Âm Bồ Tát, một trong những chân ngôn lâu đời và quan trọng nhất của Phật giáo Tây tạng. Câu này nghĩa là Om – Viên ngọc quý (Bồ Đề tâm) trong Hoa sen – Hum. Ngọc quý trong Hoa sen chính là Bồ Đề Tâm nở trong hoa sen, cầu Quán Thế Âm Bồ tát vì pháp tướng của Bồ Tát là nở ra trong hoa sen. Nghĩa là sao? Nghĩa là cầu Quán Thế Âm Bồ Tát, chính là cầu tâm bồ đề nở trong chính mình. Trong nguy nan hiểm cảnh, cầu Bồ Tát, nhưng mà cầu cả tâm mình là tâm Bồ đề để vững vàng vượt qua.

Để ý nhiều thì tâm phiền, đi nhiều thì mỏi, nghe nhiều thì khó chịu, lại còn giữ được tâm Bồ tát. Trì tụng được là một chuyện còn làm được là chuyện khác. Vì vậy đi cạnh chữ “tu” – tu sửa, là chữ “hành”, thực hành. Nếu chỉ nói thôi tụng thôi mà không làm thì chẳng ra gì. Có rất nhiều chuyện trên đời chúng ta có thể phản ứng nhanh chóng bằng việc bỏ măc, mắng chửi, dằn vặt, bỏ quên, dùng bạo lực, dùng mưu mẹo, dùng sự xảo trá để giải quyết. Nhưng bao quát, để ý, tĩnh tâm, từ bi để giải quyết thì lại khó hơn hẳn. Không mong thành chính quả, chỉ mong tiếp tục tâm sáng để tiếp tục “Tu – Sửa” và “Hành – Đi”. 

ĐD