Tình Bạn

12/07/2024    114    4.65/5 trong 18 lượt 
Tình Bạn
Tình Bạn
 Hút thuốc cùng, uống rượu cùng, cười được, khóc được, lúc nào cũng được, đời được có mấy người.

Tìm lại được cảm giác viết thật là tốt. Hôm nay hút điếu thuốc đầu tiên sau 1 năm, thuốc lá cuốn Mac Baren của Đan Mạch. Điếu thuốc đầu tiên hút là năm 16 tuổi, cùng với Long. Hút thuốc cùng uống rượu cùng, lúc nào cũng được, chắc đời chỉ có mấy người, hai người, ba người, chắc là hết. Lâu lắm rồi nếu muốn đi uống thật thì chỉ có thể ngồi một mình. Tại sao càng lớn càng khó mở lòng?

Bạn thân là gì? Có nhiều người sẽ nói tôi có rất nhiều người bạn thân, gọi lúc nào cũng có. Vài người sẽ tự thấ mình chẳng có người bạn thân nào cả, có chăng chỉ là bạn chơi, bạn đi nhậu cùng, bạn đi mua sắm cùng. Bạn thân là thế nào? Cái ranh giới giữa người quen, bạn và bạn thân càng lúc càng rõ theo thời gian. Sau những thời điểm lên lên xuống xuống trong cuộc sống, đặc biệt là khi xuống, những người xung quanh tự động rời khỏi con thuyền của mình, sóng yên bể lặng có thể còn người ở lại, cũng có thể không còn ai, ngay cả người ở lại chưa chắc sẽ vẫn ở đó tiếp sau này.

Khi đó, những người còn lại là bạn thân, chỉ có thể có mấy tình huống như thế này.

Bạn thơ ấu

Một là từ những năm thiếu niên thanh niên,, khoảng 8-20 tuổi khi mà tính cách vừa được định hình, các thói quen vừa được thành lập, chơi với nhau hợp với nhau, cuộc sống không có mấy chuyện phải nghĩ phải tính toán. Bạn thân từ khi ấy là người biết cái lõi của mình, biết từ những thời điểm con người mình còn có những hành động dở hơi, từ khi chỉ một chuyện cỏn còn con cũng khiến mình phản ứng không kiểm soát được, biết từ những chuyện nói dối bố mẹ trốn học, những lần hẹn hò chíp hôi, những mối tình ngây dại, từ những nối đau ở tuổi chạm vào là tổn thương. Bạn thân từ khi đó, nếu sau này còn chơi được, là người biết cái con người của mình trước khi méo mó biến dạng bởi cuộc sống sau này. Và mình biết họ, khi lớn lên cho dù họ có méo mó biến dạng thế nào thì mình vẫn nhìn họ như mình nhìn năm 17 18 tuổi. Thậm chí có những người khi bé thì chưa thân lắm, nhưng sau này gặp lại thì không hiểu sao lại thấy chưa gặp ai như vậy.

Có một truyện ngắn đọc từ rất lâu rồi không thể nhớ tên, đại loại có 4 người bạn chơi với nhau từ khi còn bé. Một người đóng vai đại ca, lúc nào cũng dẫn đầu, một người nhút nhát chỉ luôn theo đuôi, một người thì luôn đóng vai trò quân sư, cái gì cũng biết; một người luôn đóng vai trò cảnh giới, hễ có gió thổi cỏ lay bố mẹ gọi về người lớn nghi ngờ là báo động và đánh lạc hướng. Sau nhiều năm họ vẫn chơi với nhau, đến khi gặp lại, người nhút nhát đã trở thành một người có ảnh hưởng sâu sắc trong xã hội; cậu bé cầm đầu thì trở thành một người công nhân bình thường; người làm quân sư thì đã vào tù một lần; người cảnh giới thì thất bại và thất nghiệp. Nhưng khi ngồi cùng bàn với nhau, thì người cầm đầu vẫn là người cầm đầu, người quân sư khi nói thì ai cũng chăm chú nghe, người nhút nhát thì luôn ngồi yên để nghe các bạn sắp đặt, người cảnh giới thì để ý các chi tiết xem còn hổng chỗ nào. Cái thứ tự sắp xếp ấy đã tồn tại từ ba mươi năm trước, đến ba mươi năm sau vẫn vậy, mặc cho địa vị, của cải và cả tính cách con người thay đổi như thế nào. Vì sao? Vì tất cả vẫn nhìn vào người còn lại, và nhìn vào chính mình như khi còn bé. Trong “Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương”, nhân vật chính có 4 người bạn thân từ cấp 3, tên là “Đỏ”, “Xanh”, “Trắng” và “Đen” theo Hán tự. Đến một ngày năm 20 tuổi, tất cả bỗng dưng ngừng chơi với anh, người duy nhất tên không có màu như mọi người. 16 năm sau, Tazaki vẫn cảm thấy mình sống cuộc đời trống rỗng mặc dù vẫn thành đạt, và quyết định đi tìm lại lý do những người kia rời bỏ mình, chỉ để đi tìm lại ‘màu’ của chính mình.

Người đi cùng đường

Kiểu bạn thân thứ hai là kết giao qua những môi trường khi lớn hẳn. Có thể ban đầu chưa chắc thân với nhau nhưng trải qua một hoàn cảnh đặc biệt, như một khoảng thời gian làm việc sát cánh với nhau, hoặc cùng gặp một chuyện phải cùng nhau trải qua, hoặc đơn giản là qua một vài lần nói chuyện ngẫu nhiên bỗng dưng cảm thấy con người này thu vị hơn mình tưởng, hoặc ngẫu nhiên gặp nhau ở một nơi khác ngoài môi trường quen thuộc. Tình bạn kiểu như thế này thường được phát triển theo thời gian, càng về sau càng bộc lộ theo thời gian khi mình càng bộc lộ con người mình với người kia và ngược lại. Qua nhiều năm tháng thì hẳn sẽ có những mâu thuẫn, những lúc một trong hai người ngạc nhiên về cách ứng xử của người còn lại, hoặc khi con đường của mình không còn giống nhau nữa, thì tự động tách nhau ra. Tuy nhiên do đã có cái gốc nên nếu có cơ hội thì việc quay lại với nhau cũng không có gì có. Những người thế này thường dễ làm việc với nhau do biết điểm mạnh và điểm yếu của nhau. Đúng, điểm mạnh và điểm yếu chứ không phải là tính cách. Việc mình thích nhạc cổ điển, người kia thích nhạc rock, người còn lại chỉ nghe nhạc trữ tình, việc mình theo đạo Phật, người còn lại theo đạo Hồi, người ăn chay, người ăn mặn.. tất cả đều không quan trọng. Cơ bản là mình biết đây là người có thể bổ sung những điểm yếu của mình, và ngược lại. Đi xa hơn thì có thể dựa lưng vào nhau để sống, như những người lính trong chiến tranh. Có một bài diễn văn nổi tiếng của Bill McRaven, tướng 4 sao, Đô đốc Hải quân Mỹ, chỉ huy biệt đội Seal, dành cho sinh viên tốt nghiệp đại học Texas năm 2014.Bài diễn văn rất dài và rất hay, nhưng có một chi tiết là trong quá trình luyện tập như địa ngục để trở thành biệt kích Mỹ, những người lính phải chia theo đội 6 người. Và biệt đội xuất sắc nhất trong khóa đó là nhóm gồm những người nhỏ con nhất, lùn nhất, không có ai cao quá 1.7m. Họ gồm có một người Mỹ gốc da đỏ, một người Mỹ gốc châu Phi, một người Mỹ gốc Ba Lan, một người Mỹ gốc Hy Lạp, một người Mỹ gốc Ý, và hai người Mỹ gốc. Chạy bộ, chèo xuồng, bơi, chịu đựng, đấu súng.. họ đều đứng đầu. Những người có thể giúp mình đi xa nhất chưa chắc là những người giỏi nhất, mạnh nhất theo những tiêu chuẩn thông thường của xã hội.

Có một kiểu nhánh khác của tình bạn thế này là dạng partner-in-crime. Trong một lúc ngẫu nhiên nào đó mình gặp một người có một sở thích đặc biệt giống mình ở nơi không ngờ nhất. Nhạc, tranh, viết, hút một loại thuốc đặc biệt, rượu, chơi một trò chơi. Khi ấy một phần rất riêng tư, một mặt của mình rất ít khi đưa ra ngoài xã hội bỗng dưng gặp được “một người bạn”. Với những tình bạn như thế này, đôi khi không cần phải nói với nhau nhiều, mà chỉ cần thỉnh thoảng chia sẻ những thứ riêng tư như vậy, để biết rằng mình không cô đơn.

Tâm giao

Ba là kiểu người tâm giao. Một người, chắc chỉ có một, hiểu mình từ con người cách suy nghĩ đến cách ứng xử. Khi ấy, những nguồn gốc chung khi còn bé, hoặc sở thích chung, tính cách chung, hay cả điểm mạnh và điểm yếu cũng chưa chắc còn quan trọng. Cái việc hiểu người kia là tâm giao của mình chỉ có thể cảm nhận bằng ‘tâm’. Mình có thể rất dễ dàng nói cho người kia những thứ tưởng như cả đời này sẽ không ai được biết mà không sợ bị đánh giá. Kiểu này rất hiếm, nhưng na ná thì nhiều. Na ná là thế nào? Là ở một số giai đoạn trong cuộc sống mình nghĩ người kia hoàn toàn hiểu mình, và ngược lại. Nhưng chỉ qua một quãng thời gian thì mình nhận ra không phải như vậy. Hoặc mình không hiểu người kia, hoặc người kia không hiểu mình, tóm lại là hai đường thẳng rẽ nhánh chứ không còn chạy song song nữa. Khi ấy việc “tâm” không còn “giao” nữa. Để biết một người có phải là tâm giao của mình không, chỉ có thời gian mới trả lời được. Còn những mối quan hệ như thế này nếu đánh mất một lần thì khả năng là đánh mất mãi mãi. Vì cách viết chữ Tâm – 心 – là ““một vầng trăng khuyết フ, 3 sao giữa trời 丶丶” – tâm mình lúc nào cũng biến đổi chứ không ở yên một chỗ, nên chỉ lệch một lần là khó nắm lại. Nếu không giao thì nghĩa là không giao nữa.

 

Những tình bạn thế này chỉ có thể bỗng dưng gặp trong đời, chứ không thể cầu, cũng không thể tìm được. Đôi khi việc tìm kiếm sẽ càng khiến con người lầm tưởng, tìm thấy những thứ tưởng tri kỷ tâm giao hóa ra là rác rưởi lợi dụng. Ngoài ra, mình coi người ta là thế nào, chưa chắc và không cần người ta coi như vậy, vì tình cảm là một thứ rất khó có thể đưa lên cân và đong đếm được. Mình hiểu mình là đủ.

“Whatever it is you’re seeking won’t come in the form you’re expecting.” – Haruki Murakami

Nhiều khi cô độc chỉ muốn có một người để nói chuyện, để giãi bày, nhưng sẽ chẳng bao giờ tìm được người đấy, vì khi người đấy xuất hiện có khi mình lại bỏ qua, lại không muốn, lại không cần. Anh vẫn nhớ những buổi tối của nhiều năm trước, khi anh còn trẻ, còn có những người bạn thân như mới ngày hôm qua, và chuyện đấy thật là buồn.

Ảnh này chụp một buổi chiều tháng 10 ở Tô Châu, 2018. 6 tháng sống ở Thượng Hải, một chữ bẻ đôi không biết, không giao tiếp, cũng không có bạn bè, cuối tuần lên tàu đi lang thang khắp nơi, ăn những món chỉ cho mình biết, chụp lại những thứ chỉ để cho mình xem, giữ lại cho riêng mình.

ĐD