Tom&Jerry
Cuối tuần vừa xong tìm được một kênh có đủ hơn 100 tập Tom&Jerry từ hồi William Hanna và Joseph Barbera làm nên ngồi cày mải miết. Có tập đang xem thì buồn ngủ quá nằm nhắm mắt nhưng chỉ nghe tiếng nhạc là biết đang đến đoạn nào Tom bị cán dẹp lép ra sao. Hồi bé xem chỉ thấy hay nhưng lớn xem lại thì mới thấy đây là kiệt tác, khi âm nhạc cổ điển và hình ảnh hiện đại kết hợp với nhau chuẩn xác đến từng mili giây, cảnh thì chuyển rất nhanh hành động thì liên tục nhưng từng chút một đều có nhạc, từ chiêng đến trống đến violin đến dương cầm, tất cả đều chính xác và đẩy cảm xúc lên đến mức cao nhất. Nếu xét về thời gian phim ra đời là 1940-1960 khi toàn bộ các nhạc cũ đều được chơi thật, thu thật, máy quay đĩa than hay đài FM vẫn là những thứ xa xỉ thì Tom&Jerry là kiểu kiệt tác mà thế giới sẽ không bao giờ có được nữa. Hình ảnh của các bộ phim mới có thể đẹp hơn và sống động hơn, âm nhạc có thể muôn màu muôn vẻ hơn, nhưng cảm xúc của những người tạo ra bộ phim đưa vào sẽ không bao giờ đạt đến đỉnh cao như vậy.
Những năm gần đây, âm nhạc theo đúng nghĩa nguyên thủy của nhạc cụ dần bị mất đi sự hiện diện của mình. Ai cần bộ trống đánh nhịp hay nghệ sĩ dương cầm nữa khi có thể tạo ra từ mèo kêu chó sủa máy bay rơi đến tiếng guitar xen lẫn harmonica chỉ bằng bàn mixer. Tiết tấu nhạc phổ biến giờ là nhanh và lặp lại vài nốt, cộng thêm ít rap, đoạn bridge chậm lại chút, chorus cao lên chút, vậy là chuẩn bị thành công rồi. Âm nhạc được tạo ra quá dễ dàng và thậm chí tạo ra từ những người chưa chắc đọc được một bản nhạc hay chơi được nhạc cụ, nên phần hồn cũng không còn như trước nữa.
Deep fake
Không chỉ nhạc mà hình ảnh và thậm chí cảm xúc giờ cũng có thể dựng lại. Đơn giản thì như các app deep fake ghép mặt mình vào các clip, hay hơn nữa là Bruce Willis vừa ký một hợp đồng ‘đóng phim’ ở Nga mà không cần bay qua hay quay, chỉ cần ký cho sử dụng gương mặt là máy tính sẽ lập trình hết từ cử chỉ hành động dáng vẻ nói cười tương tác với bạn diễn y như thật. Và đây cũng chỉ là bước khởi đầu. Nếu một phim 10ph được dựng thành công thì trong 10 năm nữa nếu có một phim có Scarlet Johansson đóng chung với Chicha Amatayakul và Jun Ji Hyun và tất cả được dựng bằng máy tính cũng có thể xảy ra.
Xa hơn nữa, một tương lai như Black Mirror cũng hoàn toàn khả dĩ. Có một tập trong series này, có hai anh trai vợ con đàng hoàng thích chơi game đánh nhau test một máy chơi game mới mà mình có thể gắn vào đầu sau đó tham gia luôn vào game. U-Turn ở chỗ một anh chỉ thích nhân vật nữ, một anh chỉ thích nhân vật nam. Sau khoảng 1 2 vòng đấm nhau thì hai nhân vật thấy đối phương hot quá (mà tạo hình game bao giờ cũng hot) nên quay sang chích. Từ đó bạn game thành bạn chích trên mạng, ngày nào cũng chích, quên cả vợ.
Love
Từ tình yêu đi đến tình dục là một quãng đường. Tình dục là một nhu cầu bản năng, nhưng ở con người ít nhiều cũng gắn với tình cảm. Tuy nhiên tình dục có đặc điểm là dễ thỏa mãn, có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều loại fantasy khác nhau, dễ gây hưng phấn trong thời gian ngắn và nhiều khi khiến quên cả tình yêu.
Cảm xúc của con người tạo ra từ nhiều yếu tố, từ môi trường, âm nhạc, món ăn, màu sắc, phong cảnh, động vật và cả chính con người khác. Nhưng để đạt được cảm xúc cao nhất thì cần có quá trình. Món ăn ngon đến mấy mà ngày nào cũng ăn được thì cũng nhạt. Nhạc hay đến mấy mà đặt làm chuông báo thức thì cũng sẽ ghét không thể chịu được. Đến thời điểm những thứ tạo ra cảm xúc như vậy đều có thể số hóa được, thì con người sẽ không còn đi tìm tình yêu nữa. Ví dụ thay vì phải yêu đương rung cảm đau khổ nghi ngờ sung sướng hồi hộp thật lằng nhằng, thì có thể tạo ra một phiên bản ảo hóa đúng kiểu người mình thích, trai thì 6 múi cao 1m8 giọng trầm ấm người chắc nịch, gái thì 3 vòng mắt đẹp hút hồn ngây thơ có tình tứ có sexy có, sau đó là chích hàng ngày. Khi đó con người sẽ lựa chọn con đường đầy cảm xúc và cũng đau khổ kia, hay mỗi ngày tạo ra một phiên bản nói gì cũng nghe bảo gì cũng dạ để thỏa mãn nhu cầu?
Sau đó thì sẽ không còn sau đó nữa. Như thí nghiệm Rat Utopia năm 1960-1970 của John B. Calhoun, khi xã hội loài chuột sống trong một môi trường quá đủ đầy thì nhu cầu tình dục và tình cảm sẽ mất dần, và xã hội đó sẽ chết. Thực ra việc đó đang xảy ra ngay từ thế hệ này, nếu nhìn vào âm nhạc, nhìn vào những gì mình đọc, nhìn vao thế hệ các em các cháu, và nhìn vào chính bản thân mình với những người xung quanh.
Tình cảm là thứ khiến con người đau khổ nhiều nhất, nhưng có thể đến một lúc là thứ duy nhất giữ mình tồn tại được.