Gần đây có một nghiên cứu (https://www.nature.com/articles/s44159-024-00283-3) “Uniquely human intelligence arose from expanded information capacity” – Trí thông minh đặc biệt của con người bắt nguồn từ khả năng xử lý thông tin mở rộng” chấn động của một giáo sư Tâm lý và Thần kinh học ở UC Berkeley và một giáo sư Tâm lý ở Carnegie Merlon, nơi mình ghé qua năm trước, về Điều gì đã khiến con người thông minh hơn các loài khác? Điều gì khiến con người, động vật hoàn toàn không có móng sắc răng nhọn lông dày khả năng thở dưới nước dễ tổn thương lại thành đỉnh cao của chuỗi thức ăn chỉ trong vài nghìn năm?
Thời điểm nào trong lịch sử loài người, con người hoặc homo sapien đầu tiên có ý thức rằng “mình khác các loại động vật khác”?
Khoa học khó mà cho câu trả lời rõ ràng, nhưng trong tôn giáo và thần thoại lại ghi rất rõ ràng thời điểm đầu tiên ấy. Chúa tạo ra Adam theo hình dáng của người, đặt tên Adam vì nặn ra từ đất (Adamath). Ở thời khắc đầu tiên của một giống loài “người” đản sinh, Chúa đã đặt nó ở vị trí cao nhất trong toàn bộ các sinh vật vì Adam được tạo ra theo hình dạng của người. Loài người đã được tạo ra ở Genesis 2:7, và sử dụng quyền của mình là giống loài ở đỉnh cao bằng việc đặt tên cho từng con vật (Genesis 2:19), cũng như nhận ra rằng không có loài vật nào có thể sánh với mình (Genesis 2:20)
Một vị “Chúa” khác trong truyền thuyết Trung Hoa, tên là Nữ Oa, cũng đã tạo ra loài người từ đất, theo hình dáng của mình.
“Đi giữa thế giới hoang sơ, buồn tẻ ấy là vị đại thiên thần, chính là Nữ Oa. Lúc ấy, bà cảm thấy buồn chán, cô độc bèn nghĩ rằng cần phảitạo ra một cái gì đó cho thế giới này thêm vui tươi, giàu sức sống. Bà nghĩ ngợi hồi lâu, rồi đếnbên đầm nước, lấy bùn đất màu vàng bên bờ đầm, trộn nhuyễn với nước, mô phỏng theo hình dáng của mình in bóng trên mặt nước mà nặn thành đồ vật xinh xắn, đáng yêu.Lạ thay, vừa đặt xuống mặt đất, đồ vật xinh xắn ấy bỗng dưng có sức sống, cất tiếng nóitrong trẻo, nhảy múa, vui đùa. Đồ vật xinh xắn ấy gọi là “Người”. “Người” được bàn tay nữ thầntạo ra, không giống các loài muông thủ bởi được mô phỏng từ hình dáng của vị nữ thần. Nữ Oavô cùng thích thú, hài lòng về sản phẩm do mình vừa tạo ra, bèn tiếp tục dùng đất bùn màu vànghòa nhuyễn với nước nhào nặn ra rất nhiều người, trai có, gái có. Nhìn những con người vui đùa,cười nói xung quanh mình, Nữ Oa cảm thấy vui vẻ hẳn lên, không còn cô độc, buồn bã nữa”
Trong thần thoại Hy Lạp, có từ trước Thiên Chúa giáo, loài người cũng được Prometheus tạo ra từ đất. Hai anh em Prometheus và Epimetheus được Zeus trao nhiệm vụ tạo ra muôn loài từ đất sét. Sau khi Epimetheus tạo ra đủ các loài trên đời thì Prometheus phát hiện ra có một loài bị sót lại, không có cánh để bơi có mang để thở, không có móng vuốt hay răng sắc, một dị vật khuyết tật nên đã đắp lại theo hình dạng của các vị thần, và thổi linh hồn vào và gọi là “loài người”. Sau đó Prometheus đã đi trộm lửa ở cỗ xe mặt trời của Apollo để tặng cho loài người, để rồi bị Zeus phạt treo ở trên tảng đá và ngày này qua ngày khác bị kền kền ăn lá gan. (Gan cũng là bộ phận duy nhất tái sinh được trên cơ thể người).
Các thần thoại có vẻ đều đồng ý rằng loài người được tạo ra từ các hạt bụi theo hình ảnh của các vị thần. Người Sumer cho rằng Thần Enki tạo nên con người từ đất sét và máu của một vị Thần. Ở thần thoại Ai Cập, Thần Khnum tạo ra trẻ con từ đất sét và đặt vào bụng mẹ chúng. Nghĩa là từ góc độ tôn giáo, con người có thần tính, và chính thần tính đó, hoặc hình dáng ngay từ đầu đã giống các vị thần, nên mặc nhiên con người đã phức tạp và phát triển hơn hẳn các loài khác.
Mệnh đề này gồm 2 vế: 1/ Con người được tạo ra từ các hạt bụi và 2/ Con người được tạo ra theo hình dáng của các vị thần.
(1) có nghĩa là loài người thực ra chẳng hơn gì các loài vật khác về mặt cấu tạo. Muôn loài đều được tạo ra từ cát bụi. Cát bụi ở đây là các hạt kết dính. Khoa học càng phát triển, loài người tim ra các loại hạt càng nhỏ, nhưng mọi thứ chẳng có gì hơn ngoài các hạt. Từ phân tử, nguyên tử đến hạ nguyên tử (các hạt cơ bản trong mô hình chuẩn, bao gồm hạt vật chất – Quark, Lepton, , hạt phản vật chất – Phản quark, Phản Lepton- và các hạt lực Boson). Loài người đã tuyên bố các hạt cơ bản là không thể chia nhỏ hơn, và ở thế giới của các hạt hạ nguyên tử này, thời gian không tồn tại (ví dụ trong phim Interstella).
Để hình dung thời gian không tồn tại ở thế giới hạ nguyên tử trong vật lý lượng tử, có thể tìm hiểu về Vi Trần kiếp (thời gian của một hạt bụi), trong đọc kinh Pháp hoa chương thứ Bảy, trong đó Đức Phật kể chuyện về Đức Đại Thông Trí Thắng. Vi Trần kiếp là thế này: : “Có người đem cả thế giới tam thiên đại thiên nghiền nát thành mực. Rồi đi qua mỗi một nghìn thế giới ở phương Đông thì chấm một điểm; cứ như thế chấm cho hết số mực đó. Sau cùng, đem tất cả thế giới đã đi qua, hoặc có chấm mực hoặc không có chấm mực, nghiền nát thành bụi; và cứ mỗi hạt bụi là một kiếp. Từ khi Đức Đại Thông Trí Thắng diệt độ đến nay, số kiếp lâu xa hơn số bụi đó vô lượng vô biên, trăm nghìn muôn ức lần. Ở đây, Đức Phật dùng số lượng hạt bụi của thế giới để ví cho sự lâu dài bất khả tư nghị.” Hàng triệu triệu thế giới sinh ra tồn tại rồi sụp đổ cũng chỉ là một “vi trần kiếp”. Thời gian hay muôn loài cũng được cấu tạo từ “hạt”.
Vậy Thần tính là gì?
Thần tính, hay Nhân tính, hay Tu tính, đều là những tính của con người tự cho là cao hơn các loài vật, những “tính” chỉ riêng loài người có. Ở khoa học hiện đại, “tính” có thể được coi là tư duy, là nhận thức, là khả năng học kiến thức. Ở siêu hình, “tính” là linh hồn, là các vị thần ngự trong cơ thể người (như trong Ấn Độ giáo). Con người, với tư cách là tạo vật của thần, luôn kính trọng thần linh nhưng cũng luôn khát khao được như những vị thần. Ở một góc độ khác, ghen ghét và đố kị là một trong những động lực phát triển của loài người. Nếu không phải như vậy, tại sao khi đọc về Zeus tạo ra sấm sét, Apollo cưỡi cỗ xe tới mặt trời, nhìn các thiên thần bay từ Thiên đàng xuống, nhìn Đức Phật niết bàn… chúng ta đều muốn đi theo họ và trở nên như họ? Loài người trong vài ngàn năm ngắn ngủi, từ tạo ra ngôn ngữ để ghi lại các lời dạy của thần linh, dùng lửa nướng thịt.. đã tiến tới việc tạo ra máy bay để bay trên trời, thậm chí bay tới các hành tinh khác, học theo Chúa tạo ra loài người để tạo ra robot từ sắt thép, học theo các pháp tu của Phật và các A La Hán khác để mong một ngày thành chính quả. Thần tính là những tính khiến cho loai người có khả năng phát triển thành các vị thần.
Quay lại paper ban đầu, “Uniquely human intelligence arose from expanded information capacity” – Trí thông minh đặc biệt của con người bắt nguồn từ khả năng xử lý thông tin mở rộng”. Trích dịch lại (tôi dịch rất qua loa) đoạn đầu của Paper này như sau:
“Một trong những bí ẩn sâu sắc nhất về nhận thức là sự khác biệt giữa suy nghĩ của con người và họ hàng linh trưởng gần gũi của chúng ta. Câu hỏi này nhắm vào cốt lõi của bản chất con người, đồng thời chỉ ra quá khứ tiến hóa của trí thông minh tự nhiên và hướng tới các cơ chế cần thiết để tạo ra trí tuệ nhân tạo.
Các lý thuyết được chú ý nhiều nhất trong nghiên cứu về sự độc đáo của con người thường là các giả thuyết “đòn bẩy” cho rằng một sự thích nghi đơn lẻ, cụ thể hoặc “bản năng” – chẳng hạn như suy luận xã hội hoặc cú pháp phân cấp – là chất xúc tác trung tâm của tư duy giống con người . Những lý thuyết theo lĩnh vực cụ thể như vậy phần lớn chi phối không gian giả thuyết của lĩnh vực này. Các lý thuyết này có xu hướng đề xuất các sự thích nghi theo lĩnh vực cụ thể hoặc theo mô-đun vốn có ở con người và xuất hiện duy nhất trong quá trình tiến hóa của loài người.
Các lựa chọn thay thế cho câu chuyện tiến hóa theo lĩnh vực cụ thể vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về một cơ chế nhận thức tổng quát hoặc cơ sở sinh học cho những gì độc đáo ở con người. Tuy nhiên, một số lý thuyết mới hơn về sự độc đáo của con người cho thấy sự dịch chuyển sang các khả năng thích nghi học tập tổng quát hơn. Các lý thuyết này khác nhau về mức độ cấu trúc bẩm sinh mà chúng giả định, từ rất ít đến rất nhiều.
Một nhóm các lý thuyết đôi khi nhấn mạnh nguồn gốc nhận thức tổng quát của trí thông minh con người là giả thuyết về trí thông minh văn hóa (các thần thoại thường giải thích theo hướng này, con người được các vị thần dạy cho các truyền thống văn hóa nên trở nên thông minh hơn – Thần nông dạy nông nghiệp, Athena dạy săn bắn, Lạc Long Quân dạy trồng trọt chăn nuôi.. – người dịch). Giả thuyết về trí thông minh văn hóa cho rằng con người nổi bật giữa các loài động vật do khả năng học tập xã hội độc đáo của họ và sự tích lũy kiến thức văn hóa mà nó mang lại. Một số biến thể của giả thuyết này nhấn mạnh vai trò của các cơ chế được cho là bẩm sinh, theo lĩnh vực cụ thể chẳng hạn như chú ý chung, lý thuyết về tâm trí, ngôn ngữ và bắt chước, trong khi những giả thuyết khác nhấn mạnh tầm quan trọng của sự gia tăng toàn cầu về nhận thức tổng quát như tỷ lệ đổi mới và tính linh hoạt. Ngay cả các lý thuyết về trí thông minh văn hóa cho rằng các thích nghi bẩm sinh với việc học tập xã hội của con người đều đồng ý rằng học tập và trí nhớ tổng quát đóng vai trò quan trọng trong việc đồng hóa kiến thức mới, độc đáo của con người .
Tuy nhiên, tất cả các lý thuyết này đều không đủ để giải thích chi tiết cách con người vượt trội trong các nhiệm vụ đa dạng mà họ thực hiện, và do đó không giải thích được cách các khả năng độc đáo xuất hiện ở con người. Chúng tôi cho rằng sự khác biệt giữa con người và linh trưởng không phải do một sự thích nghi nhận thức chuyên biệt hoặc thậm chí là một loạt các thích nghi đó. Thay vào đó, sự độc đáo của con người chủ yếu là kết quả của một sự thích nghi toàn cầu nhằm tăng khả năng xử lý thông tin, điều này làm thay đổi nhận thức của con người một cách sâu sắc và định tính. Khả năng xử lý thông tin đề cập đến lượng thông tin trên một đơn vị thời gian có thể được lưu trữ và truyền tải giữa các cơ chế nhận thức hoặc hệ thống phụ.
Trong nghiên cứu này, chúng tôi đề xuất rằng những khác biệt toàn cầu về mặt di truyền trong học tập và trí nhớ là đủ để giải thích các năng lực độc đáo của con người trên nhiều lĩnh vực. Chúng tôi bắt đầu bằng cách trình bày chi tiết các lý thuyết “đòn bẩy”, lý thuyết về trí thông minh văn hóa và lý thuyết về khả năng xử lý thông tin của chúng tôi. Sau đó, chúng tôi xem xét bằng chứng cho lý thuyết về khả năng xử lý thông tin bằng cách kiểm tra ba dự đoán chính: tính liên tục của khả năng giữa các loài; sự khác biệt về giới hạn năng lực giữa các loài; và những thay đổi định tính về khả năng được kích hoạt bởi những thay đổi định lượng về năng lực. Chúng tôi thảo luận về khả năng xử lý thông tin giữa loài người và các loài không phải người, đồng thời khám phá những hạn chế về năng lực trong các mô hình học tập và phân tích toán học. Cuối cùng, chúng tôi kết luận rằng khả năng xử lý thông tin là một yếu tố then chốt quyết định sự độc đáo của con người bởi vì nó xác định những quy tắc và biểu diễn nào mà các loài có thể học được trên nhiều lĩnh vực.
Nghiên cứu này cũng chỉ rằng tại sao có người này thông minh hơn người kia, tất cả có thể tóm trong 4 năng lực:
Tốc độ phản ứng và tần suất thông tin
Một cách để đo dung lượng thông tin là sử dụng các nhiệm vụ yêu cầu người tham gia phản hồi nhanh nhất và chính xác nhất có thể đối với một kích thích…. Một nghiên cứu cho thấy tốc độ diễn ra của nhiều quá trình nhận thức khác nhau, bao gồm cộng nhẩm, xoay tinh thần, tìm kiếm trong bộ nhớ và các kỹ năng vận động đơn giản, thể hiện một mô hình thay đổi theo cấp số nhân ổn định và có thể dự đoán được trong quá trình phát triển – một hạn chế xử lý nhận thức toàn cầu phản ánh dung lượng thông tin của trẻ em. Ngoài ra, một số nghiên cứu đã cung cấp ước tính về dung lượng thông tin ở người đối với trí nhớ dài hạn và lưu trữ ngôn ngữ, thường bằng cách định lượng dung lượng mã hóa cần thiết để đạt được hiệu suất quan sát được.
Khả năng dự đoán
Các mô hình học máy thường được đánh giá bằng cách tính toán logarit xác suất mà chúng gán cho dữ liệu được quan sát, đây là một phép đo thông tin (thường là bất ngờ hoặc entropy chéo). Theo cùng logic đó, người ta có thể đo lường khả năng dự đoán hiệu quả của, ví dụ, các kích thích tuần tự cho bất kỳ loài và nhiệm vụ nào, và sử dụng điều đó để định lượng khả năng xử lý thông tin.. Ví dụ, từ độ chính xác hoặc mô hình lỗi của một cá nhân trong việc dự đoán ký tự tiếp theo trong chuỗi ‘abbacabbacabbac…’, người ta có thể tính toán xem họ đã học được bao nhiêu về chuỗi đó Đo lường khả năng dự đoán theo kinh nghiệm trong môi trường này có khả năng mạnh mẽ bởi vì độ chính xác cao hơn ngẫu nhiên có nghĩa là phải có một số thông tin, thông tin này có thể được kiểm tra như một hàm của độ tuổi phát triển, lượng tiếp xúc huấn luyện hoặc loài.
Tỷ lệ học và tỷ lệ lỗi
Tỷ lệ học và tỷ lệ lỗi là một cặp phép đo khác để ước tính dung lượng thông tin. Tỷ lệ học định lượng sự thay đổi về độ chính xác trên một đơn vị thời gian, và tỷ lệ lỗi là đường tiệm cận của đường cong học tập. Cả hai số liệu này đều thay đổi giữa các loài và có thể được sử dụng để truy vấn quá trình xử lý thông tin toàn cầu trên các nhiệm vụ. Tỷ lệ lỗi đặc biệt hữu ích để đo lường động lực chung trong một nhiệm vụ nhất định, đây là một yếu tố gây nhiễu loạn phổ biến khi so sánh nhận thức giữa các quần thể. Tương tự, các loài có thể thực hiện các lựa chọn đánh đổi tốc độ-độ chính xác khác nhau trong bất kỳ nhiệm vụ nào được giao, với các lựa chọn chiến lược khác nhau có khả năng làm rối rắm kết luận về khả năng tổng thể.
Mã hóa lại
Ước tính và so sánh dung lượng thông tin giữa các nhóm gặp khó khăn khi xảy ra mã hóa lại [316]. Mã hóa lại là quá trình thông tin được nén lại trong tâm trí trong khi thực hiện nhiệm vụ. Con người rất giỏi trong việc mã hóa lại thông tin bằng cách sử dụng phân nhóm, quy tắc, phương
Tóm lại, phản ứng nhanh, dự đoán chính xác khả năng xảy ra trong vô vàn khả năng, học nhiều, lỗi ít, khả năng nhớ dai… tất cả sẽ khiến một con người thông minh xuất chúng hơn đa số những con người khác.
Ấy là thần tính.
Nhưng Phật tính thì lại khác.
Trong Đạo giáo và Phật giáo, các vị Thánh nhân này không bao giờ tự hỏi con người sinh ra từ đâu, tại sao chúng ta lại thông minh khác biệt hơn so với các loài khác. Vì ngay trong Phật giáo, khái niệm thời gian đã không phải một đương thẳng mà là một vòng tròn (luân-hồi). Nếu cứ mãi tìm điểm bắt đầu thì không khác gì tìm điểm xuất phát trong một đường tròn. Việc chúng ta cần làm là tìm cách thoát ra khỏi vòng tròn đó. Ngàn tiểu thế giới (hệ mặt trời) mới là một tiểu thiên thế giới. Ngàn tiểu thiên thế giới mới là một trung thiên thế giới. Ngàn trung thiên thế giới mới là một đại thiên thế giới. Cả 1000^1000^1000^1000 tiểu thế giới sinh và diệt mới là một vi trần kiếp – thời gian tính bằng hạt bụi. Nếu cứ bơi trong đó hoặc ngợp trong vi trần kiếp thì tự mình sẽ thấy cuộc đời chẳng có ý nghĩa gì cả. Nên thay vì tổng hợp, tư duy, dự đoán, phản ứng, mã hóa, lưu trữ lại.. như những người bình thường thì Phật Thích Ca dẫn chúng tăng đi thẳng theo con đường tới kết luận, bằng việc nhìn sâu vào trong nội tâm của mình để tìm thấy sự giải thoát. Ở thời điểm giác ngộ, Phật hiểu rằng con đường dẫn tới chân lý không có ngôn từ nào có thể giải thích được, chỉ có thể chỉ ra một con đường để chúng sinh đi tới, chứ không thể đưa chúng sinh tới được. “Đối với chân lý, Như Lai chưa từng nói lời nào. Ý nghĩa của câu này là: giáo pháp của Phật là một phương tiện để người tu hành đạt tới giác ngộ chân lý, chứ chính nó không thể mô tả hoàn toàn chân lý. Chân lý rất vi diệu, không thể dùng lời nói để diễn tả đầy đủ mà phải tự mình chứng đắc, những lời dạy của Phật chỉ là phương tiện để giúp người tu hành tự mình đạt tới chân lý mà thôi. Phật xem những bài thuyết pháp của ông cũng như ngón tay chỉ tới mặt trăng, chứ không phải là mặt trăng. Người ta phải nương vào ngón tay để thấy được mặt trăng, còn nếu chỉ cố chấp vào ngón tay, chỉ tập trung nhìn ngón tay thì sẽ không bao giờ thấy được mặt trăng. Như Lai dạy cho người khác con đường giác ngộ chân lý, nhưng mỗi người phải tự bước trên con đường giác ngộ chân lý cho mình” .“Giáo pháp mà Ta đã chứng ngộ quả thật thâm diệu, khó nhận thức, khó lãnh hội, vắng lặng, cao siêu, không nằm trong phạm vi lý luận, rất tế nhị, chỉ có bậc hiền thánh mới thấu hiểu. Nếu Như Lai truyền dạy giáo pháp ấy thì kẻ khác sẽ không hiểu được. Thật hoài công! Người còn mang nặng tham ái và sân hận không dễ gì thấu triệt. Người tham ái chìm đắm trong đêm tối, không thấy được giáo pháp, vì bị tham ái bao phủ như đám mây đen kịch. Giáo Pháp đi ngược dòng đời, sâu kín, thâm diệu, khó nhận thức và rất tế nhị. Sau đó, có một vị thiên vương Phạm Thiên là Sahampati đã thỉnh cầu Tất-đạt-đa hoằng dương chánh pháp. Ông sử dụng Thiên nhãn và nhận thấy một số chúng sinh có duyên lành với ông có thể được hóa độ và trở thành những bậc Thánh. Với lòng thương yêu chúng sinh, Ông chấm dứt sự yên lặng và quyết định chuyển Pháp Luân, dựa vào căn cơ của chúng sinh để thuyết Pháp cứu độ. Từ đó ông có danh hiệu Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni) — “Trí giả của dòng dõi Thích-ca”.:
Phật tính, là duyên lành. Duyên là một loại tuệ, cao hơn so với trí.
What makes humans not human?
Loài Người – với đặc quyền là trí thông minh đặc biệt không loài nào có – có vẻ đang tự viêt nên những trang cuối lịch sử của mình bằng việc tạo ra một giống loài khác với trí thông minh đặc biệt hơn nữa AI. Trong 4 khả năng, “tốc độ phản ứng”, khả năng dự đoán”, “khả năng học đúng và sửa lỗi”, “mã hóa và lưu trữ thông tin”, chỉ có dự đoán và sửa lỗi là con người hơn AI. Còn lại thì..
Trong TEST SCORES OF AI SYSTEMS ON VARIOUS CAPABILITIES RELATIVE TO HUMAN PERFORMANCE, (https://ourworldindata.org/grapher/test-scores-ai-capabilities-relative-human-performance – Điểm của các hệ thống AI trên các lĩnh vực liên quan đến con người của Our World in Data, khả năng AI vượt con người như sau:
Chỉ còn khả năng phân tích hình ảnh, nghe hiểu và dự đoán biện luận là AI còn hơi kém con người một chút. Còn lại thì AI đã vượt qua đa số con người về đa số các khả năng khác.Để dễ hình dung, trong một nghiên cứu của Bostrom về Các ưu tiên toàn cầu về hiểm họa diệt chủng đã phân loại thế này:
Ấy là khi chưa có AI. Còn khi có AI thì thế này: (Tomas Pueyo)
Trí thông minh đặc biệt tạo ra loài người có thể là thứ sẽ diệt chủng loài người. Prometheus tạo ra loài người và trao cho con người thần tính. Hiện giờ 12 vị thần không còn. Con người tạo ra AI và trao cho AI nhân tính. Con người sẽ đi đến đâu? Còn tầm 8-10 năm nữa để AI vượt qua hẳn loài người. Trong “Singularity is near”, Ray Kuzwell dự đoán từ 2030 trở đi, trí thông minh của tất cả cỗ máy vô cơ (máy tính, robot và các loại máy khác) sẽ lớn hơn tổng trí thông minh của các loại máy hữu cơ (loài người và các loài sinh vật khác). Điểm kỳ dị của trí thông minh, khi trí thông minh của máy và người sẽ hợp nhất vào 2045, và đây sẽ là điểm bùng nổ, loài người, với tư cách là một loài sinh học thuần tuý có trí thông minh hữu cơ độc nhất vô nhị sẽ không còn nữa.
Có lẽ sẽ như Pháp tướng tông, mọi sự vật, hiện tượng đều là biểu hiện của thức mà có (vạn pháp duy thức), cho nên xét về bản chất là không có thực. Một lần nữa, đại ca Tất Đạt Đa và các đại ca tương tự đã đi trước loài người một bước. Trong 7 tuần lễ quán chiếu nhân tính sau khi giác ngộ, không biết đại ca có nhìn thấy sự tự diệt này không? Hẳn là có..